Thời sự

Viện trưởng CIEM: "Nhiều GS, PGS “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”

29/03/2018, 06:45

TS Nguyễn Đình Cung nêu thực tế "nhiều người là GS, PGS thực sự “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”.

5

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ GD&ĐT

Sáng 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ GD&ĐT và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

Tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối xã hội

Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của ngành Giáo dục, tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD&ĐT về nhiều vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ trưởng giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục.

Vấn đề trước hết được người đứng đầu Chính phủ lưu ý là việc tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc xem xét các ngành nghề tuyển sinh, tránh việc tăng số lượng học sinh cho lớp đầy nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung, khi phát hiện vấn đề cần lưu ý xử lý.

Thủ tướng cũng truyền đạt đến Bộ GD&ĐT nhiều vấn đề nhức nhối tồn tại liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên, điển hình là vụ học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên; giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; phụ huynh hành hung, bắt giáo viên đang mang thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo.

Tiếp đó là việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Việc này Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và Bộ GD&ĐT bám vào tiêu chí, nguyên tắc thực hiện, chứ Thủ tướng không thể quản những thứ chi tiết, vì thế không thể “đổ ngược” trách nhiệm lên cho Thủ tướng.

Nhiều GS, PGS “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với những vấn đề được nêu, Bộ tiếp thu với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đưa ra giải pháp để xử lý các vấn đề bức xúc.

Riêng về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS khiến dư luận bức xúc, ông Nhạ khẳng định, về cơ bản các ứng viên đều đạt chuẩn, nhưng đó là những tiêu chuẩn đã quy định, tồn tại 20 năm. Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận qua rà soát thấy “có không ít các hội đồng sàng lọc chưa chuẩn”. Vì thế, nếu xét xong thấy có vấn đề thì cần rà soát lại.

“Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, kế hoạch đến 31/3 sẽ kết thúc. Hội đồng đã trao đổi, làm việc với một số ứng viên khi cần thiết, để các ứng viên tâm phục, khẩu phục. Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng thì không công nhận, bất kể là ai”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Theo ông Nhạ, tiêu chuẩn liên quan đến nhiều nhóm đối tượng nên phải tính làm sao để đáp ứng được yêu cầu nhưng phải hội nhập quốc tế. Tới đây, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để ban hành chuẩn mới thay thế chuẩn hiện hành có nhiều nội dung chưa đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu.

Trước giải trình trên, thành viên tổ công tác là TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc giải thích của Bộ GD&ĐT không nên chỉ là “giải trình ta với ta”, mà là giải trình với công luận, với quốc tế. Theo ông Thiên, cần đánh giá tiêu chuẩn học hàm, học vị gắn với thực chất. Nếu không thực chất, chỉ bám vào danh thì có tiền là xong.

TS Nguyễn Đình Cung

TS Nguyễn Đình Cung.

Thành viên khác của tổ công tác là TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng đây là “giọt nước tràn ly”, là việc đã kéo dài nhiều năm, nhiều tháng, chứ không phải là sự kiện tức thời. “Cứ tưởng đây chính là cơ hội để thay đổi, thành lập tổ chuyên gia độc lập rà soát, kiến nghị cách làm mới, nhưng chúng ta lại không làm. Không làm như thế, xã hội chắc chắn sẽ tiếp tục có ý kiến”, ông Cung nói.

Ông cũng nêu thực tế nhiều người là GS, PGS thực sự “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”. “Ngay cơ quan tôi có người làm PGS về, yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi nói tôi không làm như vậy, vì tôi không trả lương theo phong cấp PGS hay GS”, ông Cung dẫn chứng và nhấn mạnh, phải đánh giá con người theo kết quả công việc chứ không dựa vào danh.

Ghép các điểm trường, tiết kiệm biên chế để tăng lương

Liên quan đến biên chế và lương giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã làm việc với tất cả tỉnh, thành, rà soát nhu cầu giáo viên đến năm 2020 để làm cơ sở tính toán, khắc phục tình trạng đào tạo không đi liền với nhu cầu, nâng cao chất lượng. Hiện nay theo luật, lương khởi điểm của giáo viên dựa vào bằng cấp rất thấp, muốn đạt mức 5- 7 triệu đồng/tháng phải mất 10-15 năm. Vì thế, Bộ đang kiến nghị sửa đổi bất cập.

Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh đề cập đến giải pháp lâu dài, Bộ sẽ chỉ đạo, đề nghị các tỉnh quy hoạch tốt trường lớp, ghép các điểm trường, tiết kiệm biên chế, ưu tiên cải thiện lương giáo viên.

Cắt giảm 91 điều kiện kinh doanh trong năm 2018

Về việc rà soát, lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GD&ĐT, Bộ GD&ĐT có 241 điều kiện kinh doanh, trong năm 2017 đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện, còn 212 điều kiện. Năm 2018, Bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, chiếm 42,9%.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá phương án của Bộ GD&ĐT đặt vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa là chưa sát, chưa thực chất. Cần tiếp tục rà soát để đơn giản hóa nhất có thể. Tổ công tác đề nghị Bộ thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách, tạo niềm tin cho xã hội, nhà đầu tư. Đây chính là dư địa cho tăng trưởng, chứ không phải chỉ dựa vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng hay ưu đãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.