Xã hội

Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị xây dựng Luật Đạo đức, ĐBQH nói gì?

10/11/2022, 17:08

Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nếu có Luật Đạo đức thì chưa chắc Luật này đã đi vào cuộc sống.

Có nên pháp luật hóa quan hệ đạo đức?

Tại phần trình bày báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao trước Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí đã kiến nghị xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, từ đó góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta phải xác định nhu cầu điều chỉnh quan hệ đạo đức có hay không, phạm vi điều chỉnh của Luật Đạo đức là cái gì, phương pháp ra sao?

"Thông thường, điều chỉnh các hành vi có tính chất đạo đức ở trong bộ máy nhà nước thì đã có quy chế, quy định của đảng để rèn luyện cán bộ, đảng viên rồi", ông Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây chỉ mới là đề xuất, chưa có tờ trình cụ thể nên chưa thể nhận diện thế nào.

"Nhưng theo tôi, đạo đức được hiểu theo nhiều nghĩa. Hiểu theo nghĩa với tư cách là hình thái ý thức thì là kiến trúc thượng tầng cùng với pháp luật. Ở hạ tầng cơ sở thì sẽ có thiết chế tương ứng, pháp luật có các quan hệ pháp luật, quan hệ này thì có các bên quan hệ, phương pháp điều chỉnh là bằng đảm bảo sức mạnh cưỡng chế của nhà nước", ông Vân nói.

Ông Vân cho rằng, đạo đức dưới cơ sở thì cũng có thiết chế tương ứng. Có nhiều nhóm quy chuẩn, ví dụ như nhóm về khiêm tốn, với cha mẹ là hiếu, với anh em là nghĩa... Điều này gắn liền với con người.

"Tôi không hiểu, nếu có Luật Đạo đức thì tất cả các mối quan hệ xã hội, bao gồm trung - nghĩa - hiếu… đều phải dùng pháp luật hay sao? Không biết luật đạo đức này áp dụng chung cho mọi người ngày chỉ là cán bộ, công chức, viên chức", ông Vân đặt câu hỏi.

Theo vị đại biểu này, nếu để ngăn chặn hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức đã có các thiết chế khác. Ví dụ là đảng viên thì đã có những quy định của đảng, trong cán bộ, công chức, viên chức thì đã có hàng loạt quy phạm pháp luật điều chỉnh hình vi đạo đức công vụ.

"Phàm cái gì là đạo đức thì phải do đạo đức điều chỉnh, pháp luật hóa quan hệ đạo đức thì là quan hệ pháp luật rồi, không ai gọi là đạo đức cả", ông Vân nói.

Nếu có Luật Đạo đức, thì chưa chắc đã đi vào cuộc sống

img

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì cho biết, chúng ta chưa có Luật Đạo đức, nhưng trong tất cả các đạo luật đều nâng giá trị con người, giá trị đạo đức.

"Quan điểm của tôi là trong các đạo luật thì nên tích hợp thể hiện nội dung đạo đức thôi, chứ làm thêm Luật Đạo đức thì chưa chắc đã vào cuộc sống", ông Cừ nói.

Ông Cừ cho rằng, đạo đức là vấn đề truyền thống, văn hóa, thậm chí là vấn đề kinh tế và xã hội. Chuẩn mực đạo đức thì cũng tùy thuộc vào từng thời kỳ, từng vùng miền khác nhau

Để hạn chế tiêu cực, tham nhũng, tha hóa của cán bộ thì ngoài dùng thiết chế pháp luật thì cần nâng cao giáo dục, tuyên truyền.

"Quan trọng nhất là phải xử lý thật nghiêm những cán bộ tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta không nên ngại việc xử lý cán bộ thì không có người làm. Đất nước gần 100 triệu dân, vẫn còn nhiều người tài, người muốn cống hiến vì nhân dân", ông Cừ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.