Xã hội

Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề xuất xây dựng Luật Đạo đức

08/11/2022, 10:33

Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất.

Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao trước Quốc hội sáng 8/11, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao khẳng định, năm 2022, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Nổi lên trong lĩnh vực trật tự xã hội đã xảy ra một số vụ án giết người thân, giết nhiều người; tội phạm liên quan đến tín dụng đen xuất hiện những thủ đoạn phạm tội mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng.

img

Viện trưởng Viên KSND Tối cao Lê Minh Trí

Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành kiểm sát đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.

"Dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là đối với một số loại tội phạm mới phát hiện khởi tố, điều tra liên quan tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tội phạm tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao... nhưng quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, vẫn còn một số bất cập", ông Lê Minh Trí cho hay.

Đáng chú ý, ông Trí phản ánh, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021 thì công an cấp xã được thực hiện một số hoạt động trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhưng bộ máy ngành kiểm sát chỉ bố trí đến 705 đơn vị hành chính cấp huyện, nay phát sinh thêm nhiệm vụ trên địa bàn hơn 10.000 công an cấp xã sẽ là áp lực lớn đối với ngành kiểm sát.

"Theo luật định, kiểm sát viên luôn phải đồng hành với điều tra viên trong quá trình điều tra tội phạm nhưng hiện nay biên chế giữa điều tra viên ngành công an với kiểm sát viên chênh lệch rất lớn đã tạo áp lực trong thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra của ngành", Viện trưởng Lê Minh Trí nêu thực tế.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập. "Cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ với môi trường, tính chất công việc về cơ bản là như nhau, nhưng chế độ chính sách của kiểm sát viên các cấp, điều tra viên của cơ quan điều tra VKSND tối cao lại khác biệt, chênh lệch khá lớn so với các điều tra viên ở ngành công an, quân đội", ông Trí nói tiếp.

Nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người

Báo cáo Quốc hội về công tác chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Lê Minh Trí khẳng định đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; gắn công tác xây dựng đơn vị, xây dựng ngành với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng việc lựa chọn người đứng đầu các cấp Kiểm sát đảm bảo "chọn người theo việc", có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, chính trị.

"Xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, "trọng chứng hơn trọng cung", "án tại hồ sơ", không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả", ông Trí cho hay.

Đáng chú ý, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. Bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Theo ông Trí, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi nên trong chính sách hình sự cần phân định, có chính sách xử lý phân hóa sẽ hiệu quả, thuyết phục.

"Xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm", Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.