Hồ sơ tài liệu

Việt Nam cần làm gì sau phán quyết về Biển Đông?

12/07/2016, 13:50

Các chuyên gia trong và ngoài nước trao đối với Báo Giao thông về những việc Việt Nam nên làm sau phán quyết này.

Trung Quốc tăng cường bồi đắp trái phép trên Biển

Trung Quốc tăng cường bồi đắp trái phép trên Biển Đông với tốc độ chóng mặt

Nhận định về kết quả phán quyết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế cho biết: Philippines đưa ra 15 điểm, nhưng toà trọng tài xác nhận phán quyết ở 7 điểm, trong đó, liên quan đến cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông. Theo tôi, PCA có thể sẽ phán quyết ở hai mảng:

Thứ nhất: toà án sẽ phán quyết, đường lưỡi bò không hợp pháp.

Thứ hai: Về việc Philippines yêu cầu toà Trọng tài công nhận những hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và công nhận chủ quyền của Philippines với bãi cạn Scabouroug. Toà sẽ quyết định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Song, dù kết quả có thế nào, Tiến sĩ Trường cho rằng, có thể phán quyết của PCA không ép được Trung Quốc kiềm chế, thay đổi hành vi trên Biển Đông song nó sẽ làm Trung Quốc suy yếu về mặt tiếng nói pháp lý. Các nước có thể dựa vào hành vi này của Trung Quốc để đấu tranh lâu dài.

Nhận định về mong muốn của Philippines sau phán quyết về Biển Đông, trao đổi với Báo Giao thông, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về chính trị Việt Nam và hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc trường Đại học New South Wales - dẫn lời cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del-Rosario nói rằng: "Chúng tôi xem Trung Quốc như một người bạn quý, để giữ gìn tình bạn đó chúng tôi mới khởi xướng tiến trình trọng tài này”.

Giáo sư Carl phân tích, câu nói của cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del-Rosario mang ý nghĩa, đất nước Philippines trông cậy vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sau khi các cuộc đàm phàn song phương với Trung Quốc không đạt được kết quả. Nói cách khác, ông Albert del-Rosario đưa ra cho Trung Quốc một giải pháp để giải quyết tranh chấp dai dẳng bấy lâu nay. Nhân đây, ông Del Rosario cũng báo hiệu rằng dù Toà trọng tài có ra bất cứ quyết định nào thì Philippines vẫn sẵn sàng tăng cường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Còn với Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer nhận định: Khi PCA công bố quyết định, Việt Nam cần phải tuân thủ các tuyên bố của PCA trong quá trình đưa ra mọi quyết định.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giáo sư Carl đưa ra lời khuyên: Trong một số trường hợp, Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện hành động pháp lý để làm rõ các vấn đề chủ quyền. Ngoài ra, Việt Nam cần phải lên chiến lược ngoại giao để tập hợp liên minh quốc tế rộng rãi gây áp lực lên Trung Quốc yêu cầu nước này thực thi luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cần phải thực hiện chiến lược phù hợp đối với các lực lượng hải quân phòng trừ trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực.

Thực tế, thời gian gần đây, không chỉ “võ miệng”, Trung Quốc bắt đầu thực hiện bằng hành động cụ thể nhằm phản đối phán quyết của Toà trọng tài. Ngay trước thềm PCA ra phán quyết, nước này tổ chức tập trận rầm rộ bắn đạn thật, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc còn cấm tàu thuyền qua lại khu vực này trong thời gian tập trận. Hơn nữa, trong một bài xã luận gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng kích động chính phủ nước này nên “chuẩn bị đề phòng đối đầu quân sự trên Biển Đông”.

Động thái này cho thấy, Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình” mà họ từng cam kết và trực tiếp kêu gọi khi tham dự các diễn đàn an ninh trên thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.