Thời sự

Việt Nam chung tay cùng thế giới ứng phó biến đổi khí hậu

02/12/2015, 06:28

Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì p
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên Đối thoại cấp cao.

Đêm 30/11 (theo giờ VN), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”.  Tham dự còn có lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Ảnh hưởng nguồn cung gạo toàn cầu

Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi chịu các tác động “kép” do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do những hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Nhiều nơi chịu những trận bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế. Hạn hán nặng dẫn tới xâm nhập mặn ngày càng tăng, ảnh hưởng tới gần 700 nghìn ha đất canh tác, chiếm khoảng 40% trong tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp của cả vùng.

Nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp, dự báo đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng cao 1 m sẽ gây ngập tới 40% diện tích và ảnh hưởng tới sinh kế của gần 55% dân số ĐBSCL. Hơn nữa, đây còn là nơi xuất khẩu khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại quốc tế trên toàn cầu (2014), cung cấp gạo cho hàng triệu người tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Hiện vẫn còn ba điểm quan trọng gây tranh cãi tại COP 21: Liên hợp quốc muốn hạn chế ấm nóng toàn cầu ở mức 2 độ C vào cuối thế kỷ; nhưng hơn 100 nước nghèo và các đảo nhỏ muốn mục tiêu cao hơn là 1,5 độ C.

Các nước đang phát triển yêu cầu các nước công nghiệp phải làm nhiều hơn để giảm khí thải; nhưng các nước giàu lại cho rằng phải chia sẻ gánh nặng.

Các nước giàu cam kết góp 100 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo phát triển công nghệ và xây hạ tầng giảm khí thải từ năm 2020, nhưng vẫn không rõ tiền đến từ đâu và chia như thế nào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chúng tôi luôn ưu tiên đầu tư phát triển cho khu vực ĐBSCL theo định hướng tổng hợp, bền vững và mong nhận được các đề xuất về giải pháp, phương thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết: “Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế”.

Phó chủ tịch WB Laura Tusk nhấn mạnh: Việt Nam đã tỏ rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết sẽ tăng khoản tài chính 29 tỷ USD hàng năm hỗ trợ các nước thành viên. Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời khẳng định, Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Kết thúc Đối thoại, các bên ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và WB về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Bảo đảm sự đóng góp công bằng

Sáng qua (theo giờ VN), tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nội dung Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu (dự kiến được thông qua tại COP 21) cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và sự cân bằng giữa các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ; nhấn mạnh các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết, đồng thời tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận.

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong giai đoạn sau năm 2020, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhân dịp dự COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Manuel Valls, tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 nước và tiếp Chủ tịch WB, Tổng giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Từ nay đến năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực.

Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; Đồng thời cam kết sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể COP 21 sáng 1/12

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.