Xã hội

Việt Nam cơ bản đẩy lùi Covid-19, Chính phủ bàn biện pháp “bình thường mới"

28/04/2020, 17:19

Thủ tướng cho biết, đến giờ phút này, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19 và tập trung bàn biện pháp trong trạng thái “bình thường mới".

img
Điểm cầu Hà Nội tại cuộc họp

Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh

Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm Covid-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp, được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19. Do đó, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái “bình thường mới”…

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị, đến thời điểm các ổ dịch kết thúc mà không có ca nhiễm mới, đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương cho Hà Nội xuống nhóm nguy cơ thấp, tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp trong tình hình mới.

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, ông Quý cho biết, qua rà soát, các quận, huyện có 1.477.000 đối tượng theo Nghị quyết 42 cần hỗ trợ, dự kiến kinh phí khoảng 3.520 tỷ đồng. Dự kiến trong chiều nay (28/4), Thành phố Hà Nội triển khai ban hành quyết định triển khai cho 4 đối nhóm tượng: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo (dự kiến khoảng 414.000 người với kinh phí là 505 tỉ đồng). Như vậy, các đối tượng này sẽ được hưởng hỗ trợ của Chính phủ cũng như của TP Hà Nội trước ngày 30/4/2020.

Dự kiến ban hành quy chế thi đại học trước ngày 10/5

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến ngày 20/4, đã có 2 tỉnh, thành phố đưa học sinh quay trở lại trường là Thái Bình và Cà Mau. Từ ngày 20 - 25/4, có 8 tỉnh; đến ngày 28/4 đã có 38 tỉnh, thành phố đưa học sinh đi học trở lại. Hiện nay, đã có 60 tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4/5, còn lại 3 tỉnh, thành phố chiều nay (28/4) sẽ có quyết định tiếp, theo hướng đến ngày 4/5 cho học sinh đi học trở lại.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện những biện pháp an toàn trong trường học. Theo đó, hiện nay 38 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại đều thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ như: Thực hiện giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh, phun thuốc khử khuẩn lớp học, có chỗ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đủ điều kiện…

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Bộ tiêu chí về đảm bảo mức độ an toàn trong trường học trong mùa dịch, trong đó xây dựng 15 tiêu chí để trên cơ sở đó các địa phương có thể đánh giá được khả năng an toàn của mình để tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Các tiêu chí bảo đảm việc giãn cách khi tiếp xúc trong trường học không quá 1m, hướng dẫn cho các trường có thể bố trí cho học sinh đi học tốt hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT xây dựng Quy chế chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, Bộ đã xây dựng khung quy chế, ban hành đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến trước ngày 10/5 để cho học sinh yên tâm.

“Đề tham khảo vẫn bảo đảm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn có sự phân hoá để các trường đại học dựa trên cơ sở đó có thể xét, tuyển sinh. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng quy chế thi tốt nghiệp, dự kiến ban hành trước ngày 15/5 và quy chế thi tuyển sinh đại học sẽ ban hành trước ngày 10/5”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.