Tài chính

Việt Nam có thể học kinh nghiệm phá sản ngân hàng Mỹ

29/11/2017, 07:12

Phải khẳng định, việc NH công bố mất tỉ lệ an toàn vốn nên phải bán không ảnh hưởng đến người gửi tiền.

16

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Quốc hội vừa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, cho phép các ngân hàng (NH) thua lỗ được phá sản. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, người từng mua bán NH ở Mỹ chia sẻ với Báo Giao thông về kinh nghiệm phá sản NH nhưng không gây đổ vỡ hệ thống và thiệt hại cho người gửi tiền.

Mỹ: Đóng cửa ngân hàng thứ 6, mở cửa giao dịch vào thứ 2

Chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra 700 tỉ USD để cứu một NH đang gặp khó khăn bằng cách mua cổ phiếu ưu đãi của họ. Cách làm đó có gì khác với Việt Nam không, thưa ông?

Chính phủ Mỹ chỉ tham gia cứu NH với mục đích là bơm vốn vào và nhận lãi chứ không mua hết 100% cổ phiếu hoặc điều hành NH đó. Tuy nhiên, quyền lợi mà Chính phủ có được khi mua cổ phiếu đặc biệt này là dù NH có lãi hay không thì NH vẫn phải trả một khoản lợi tức cố định cho khoản tiền đó. Nhờ thế, nhiều NH đã thoát khỏi khó khăn trong những năm khủng hoảng. Sau khi NH đó vượt qua khó khăn, ăn nên làm ra, họ sẽ mua lại chính cổ phiếu ưu đãi đã bán cho Chính phủ. Có nhiều trường hợp NH đã mua lại với giá cao hơn lúc phát hành và Chính phủ thu lời.

Trước khi NH đó phá sản, cơ quan quản lý NH sẽ có động thái hỗ trợ hay xử lý thế nào, thưa ông?

Trước hết, họ thanh tra giám sát NH yếu kém xem lý do nào dẫn đến nợ xấu cao, chất lượng tài sản suy giảm, ăn mòn vào vốn tự có… Nếu xuống quá ngưỡng này thì các cơ quan quản lý buộc NH đó phải bổ sung vốn để trở lại mức 8%.

Trường hợp NH đó không bổ sung thêm vốn được mà hệ số an toàn vốn tiếp tục giảm xuống 5% họ sẽ bị cảnh cáo rất nặng nề. Và khi tỉ lệ an toàn vốn từ 5% xuống 3% thì bất cứ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể đến đóng cửa NH chứ không cần để tỉ lệ này âm. Đóng cửa nghĩa là cho phá sản hay bán NH cho NH khác.

Quy trình, thủ tục một NH bị đóng cửa thế nào?

Các công ty đến đóng cửa NH ở Mỹ gồm: Công ty tiền gửi liên bang của Mỹ và cơ quan quản lý tiểu bang. Tuy nhiên, họ làm rất nhanh chóng và thường kéo đến vào sáng thứ 6. Lúc này, tên NH vẫn giữ nguyên nhưng có kèm dòng chữ đơn vị quản lý. Từ giờ phút đó cho đến hai ngày cuối tuần, họ sẽ làm mọi việc như thay đổi mật mã. Sáng thứ 2 đầu tuần, NH sẽ mở cửa hoạt động bình thường cho khách hàng.

Nếu một NH quyết định cho phá sản thì khách hàng nào có tiền gửi từ 250.000 USD trở lại sẽ được cơ quan bảo hiểm tiền gửi bồi thường ngay tức thì. Còn từ 250.000 USD trở lên thì chờ thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, đó là trường hợp không tìm được người mua lại. Còn thường họ không chọn cách phá sản mà bán một phần hay toàn bộ NH cho NH khác nếu tìm được người mua. Thường trước ngày đóng cửa, để bàn giao cho chủ mới họ đã bàn bạc kỹ nên quá trình mua bán thường rất nhanh: Đóng cửa thứ 6 và mở cửa NH vào thứ 2.

Nên tăng bảo hiểm tiền gửi từ 200-250 triệu đồng

Ông từng sở hữu NH tại Mỹ và sau đó buộc phải bán đi. Quá trình bán NH của ông có ảnh hưởng đến lượng tiền gửi cũng như khách hàng vay không?

Năm 2009, tôi cũng đã phải bán NH của mình như vậy. Tuy nhiên, phải khẳng định, việc NH công bố mất tỉ lệ an toàn vốn nên phải bán không ảnh hưởng đến người gửi tiền. Trong thương vụ mua bán này chỉ có cổ đông là chúng tôi chịu lỗ vì cổ phiếu giảm thậm tệ chứ quyền lợi người gửi tiền, người đi vay… hoàn toàn không thay đổi. Chỉ là chuyển giao cho một đối tác mới.

Để thực thi quy định về phá sản NH, theo ông, Việt Nam nên triển khai như thế nào để vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không gây đổ vỡ hệ thống?

Việt Nam có thể cho phép ngân hàng phá sản với trình tự tương tự. Tại Mỹ, cơ quan bảo hiểm tiền gửi là Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) của Chính phủ, thực hiện bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng với hạn mức 250.000 USD/tài khoản. Vì FDIC là đơn vị phải bồi thường cho khách hàng khi NH phá sản nên đơn vị này cũng có một chức năng rất đặc biệt là giám sát, thanh tra các NH rất chặt chẽ và những món tiền được FDIC bảo hiểm (dưới 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng một tuần. Đối với những người có tiền gửi tiết kiệm trên 250.000 USD sẽ chờ để FDIC bán tài sản của ngân hàng và trả theo thứ tự ưu tiên như tôi đã nói ở trên.

Việt Nam có thể làm theo trình tự như vậy. Tuy nhiên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) trên nguyên tắc có chức năng thanh tra, giám sát NH nhưng không thực hiện. Mặt khác, 75 triệu đồng là số tiền dự kiến chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản vẫn còn ở mức thấp. Tôi cho rằng, theo nguyên tắc, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện khoảng 45 triệu đồng/năm, nên hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần nâng lên gấp 4 lần thu nhập bình quân của người dân, tức là khoảng 200 triệu đồng mới hợp lý.

Cảm ơn ông!

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng:

Một thống kê trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, “80% nguồn vốn ngân hàng là của 20% khách hàng và ngược lại 80% khách hàng chỉ chiếm 20% vốn gửi ngân hàng”. Có nghĩa khách gửi tiền ở ngân hàng đa số có khoản tiền nhỏ và Nhà nước chủ trương ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ những người này. Tôi cho rằng những món tiền dân tích cóp gửi tiết kiệm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng nên được bồi thường đầy đủ thay vì chỉ tối đa 75 triệu đồng nếu ngân hàng phá sản. Nếu cần thì có thể ấn định ngay trong luật về mức hỗ trợ này.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Đối với lĩnh vực ngân hàng, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bắt buộc phải cho phá sản ngân hàng, để không gây đổ vỡ hệ thống phải có những quy định chặt chẽ. Ví dụ, trong những trường hợp cần thiết, Chính phủ phải bảo hiểm 100% cho tiền gửi của người dân. Ngoài ra, trong hệ thống NH có một lượng tiền nhàn rỗi của người gửi với số lượng lớn. Cần phải thận trọng để tránh tình trạng có thể dẫn tới việc người dân mua vàng và ngoại tệ về cất trong két sắt.

Phương án phá sản bao gồm 4 nội dung tối thiểu:

- Một là đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản.

- Hai là đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

- Ba là phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân.

- Bốn là lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

(Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.