Y tế

Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5 lây nhiễm cao

27/06/2022, 15:20

Đại diện Bộ Y tế thông tin hiện Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5, khả năng lây nhiễm rất cao, nguy cơ bùng dịch Covid-19.

Xuất hiện biến thể phụ BA.5 có tính lây nhiễm cao

Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin Y tế của Bộ Y tế chiều 27/6, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Qua xét nghiệm tại các bệnh viện, hiện Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5, đây là biến thể được cho là có sự lây nhiễm rất cao. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra".

img

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần thiết tiêm các mũi 3, 4 vaccine phòng Covid-19

Theo GS. Phan Trọng Lân, hiện các nước châu Âu lo ngại bùng phát đợt dịch mới. Tại khu vực châu Phi có sự gia tăng các số mắc, tử vong. Khu vực Tây Thái Bình Dương có sự gia tăng ca tử vong.

“Điều đó cho thấy tính chưa ổn định của dịch Covid-19. Đặc biệt, việc một số nước hiện nay ghi nhận sự xâm nhập của biến thể BA.4, BA.5 làm gia tăng số ca nhiễm mới. Quan ngại nhất của sự bùng phát dịch là sự quá tải chăm sóc y tế”, ông Lân nói.

Ông Lân cho biết, số ca nhiễm tại Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng qua với hơn 130 nghìn ca mắc, 63 ca tử vong. Tỷ lệ chết trên số ca mắc thấp, khoảng 0,05%.

Trong đó, khu vực phía Bắc ghi nhận hơn 106 nghìn ca mắc, cao gấp 10 lần miền Nam và đứng thứ 3 là miền trung với gần 9 nghìn ca mắc.

Theo ông Lân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch, dịch có thể diễn biến phức tạp gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải cuối cùng.

Tại Việt Nam hiện ghi nhận chủ yếu lưu hành chủng BA.2 - chủng có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, qua tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nơi có nguy cơ cao để lấy mẫu giải trình tự gene phát hiện Việt Nam có xâm nhập chủng biến thể Omicron với nhánh phụ là BA.5.

“Khi có sự xâm nhập của chủng mới, nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ BA.1, BA.2”, ông Lân nhấn mạnh.

Vì thế, ông Lân cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 kéo dài bao lâu?

TS.BS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin, các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.

Cụ thể, một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.

Cụ thể như sau: Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.

Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng Covid-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

"Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4", ông Dương thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.