Chất lượng sống

Việt Nam đang trở thành quốc gia... khát nước ngầm

10/01/2017, 11:05
image

Nguồn nước ngầm suy giảm; Nước bề mặt ô nhiễm nghiêm trọng; 90% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường...

DSC_1457

Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt tự do xả ra môi trường không qua xử lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước sạch. Ảnh: Tạ Tôn.

Nguồn nước ngầm suy giảm; Nước bề mặt ô nhiễm nghiêm trọng; 90% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường... Thông tin này được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) sáng 9/1.

Nhiều dòng sông bị khai thác “cạn kiệt”

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định: An ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển KT-XH của đất nước. “Bình quân lượng nước nội sinh theo đầu người hiện mới đạt 3.400m3/năm, trong khi theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, nếu tỷ lệ này dưới 4.000m3/người/năm đã là quốc gia thiếu nước”, Thứ trưởng dẫn giải.

Đáng nói, theo phân bố nguồn nước hiện nay, phần lãnh thổ từ miền Bắc đến TP HCM, nơi có tới 80% dân số và hơn 90% hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. ĐBSCL nơi chiếm 61% lượng nước cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các quốc gia ở phía thượng nguồn phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh. Cụ thể, các hồ chứa ở Vân Nam (Trung Quốc) hiện nay có tổng dung tích khoảng 27 tỷ m3 và các dòng nhánh ở hạ lưu sông Mê Kông của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam khoảng 20 tỷ m3, chưa kể hai công trình thủy điện trên dòng chính là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xem thêm video:

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, nhu cầu nước gia tăng nhanh trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm. Một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tính riêng trong mùa khô, đã có 10 lưu vực sông đang bị khai thác ở mức căng thẳng; Bốn sông đã đến mức rất căng thẳng gồm: Sông Mã, cụm sông Đông Nam bộ, sông Hương và sông Đồng Nai. Một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức, suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Theo dự báo, tới năm 2025, Quảng Ninh và nhiều đô thị khác sẽ thiếu nước sinh hoạt. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh đang kêu gọi cơ quan chức năng phối hợp để lên phương án xử lý, giải quyết”.

Thống kê cho thấy, vùng ĐBSCL có 828 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, hơn 400 ha bị nhiễm phèn; Vùng trung du và miền núi Bắc bộ có khoảng 2,2 triệu ha đất bị suy thoái; Vùng duyên hải Nam Trung bộ có hơn 55 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, 759 nghìn ha bị hoang hóa, sa mạc hóa...

Chỉ khoảng 10% nước thải sinh hoạt được xử lý

Trong khi nguồn nước bị đe dọa nghiêm trọng, nước thải sinh hoạt nhiều khu đô thị, dân cư vẫn chưa được xử lý. Theo báo cáo, hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với tổng công suất xử lý khoảng 800 nghìn m3/ngày, đêm. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10-11%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Đáng nói, vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài song chưa hoàn thành biện pháp xử lý. Tính đến nay, cả nước có 283 KCN đang hoạt động, trong đó chỉ mới có 212 KCN đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%; 615 cụm CN đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, cụm CN còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Có mặt tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên kém hiệu quả còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi đã và đang làm suy giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên nước. “Đất nước còn nghèo, nếu đầu tư nhanh mà không bền vững sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người dân. Điều này đòi hỏi tái cấu trúc kinh tế đi đôi với lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp, gắn với việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua đây, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT và cơ quan chức năng các cấp cần phải tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường. “Không cấp phép các dự án đầu tư không đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đối với những dự án đã được triển khai, chỉ cho vận hành khai thác, sử dụng khi có đủ cơ sở xử lý chất thải, nước thải...”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Năm 2016, ngành TN&MT đã tiến hành hơn 1.800 cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 60,8 tỷ đồng, thu hồi hơn 5.300 ha đất và 59 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu là thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường với 559 cuộc; Tiếp theo là đất đai với 357 cuộc; Khoáng sản 310 cuộc...

Những sai phạm được phát hiện chủ yếu gồm: Không sử dụng đất, chậm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; Không thực hiện, thực hiện không đúng, đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; Vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; Không có giấy phép xả nước thải...

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.