Xã hội

Việt Nam không phải "quán quân" thế giới về sử dụng rượu bia

09/05/2017, 19:33

Việt Nam chỉ đứng thứ 11 trong khu vực và 94/194 nước thành viên WHO về sử dụng đồ uống có cồn.

ngo-doc-ruou

Ảnh minh hoạ

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã bác thông tin cho rằng Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia đứng hàng đầu Đông Nam Á và thế giới, khi đóng góp ý kiến tại cuộc tọa đàm về đề xuất xây dựng dự thảo Luật phòng chống tác hại bia rượu, diễn ra ngày 9/5.

"Đó là thông tin không chính xác", ông Việt khẳng định và dẫn chứng: mức bình quân sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014 là 6,6 lít mỗi người một năm. Mức này đứng thứ 94/194 các nước thành viên WHO và đứng thứ 11 ở Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, dưới trung bình của các nước trên toàn thế giới.

Theo ông Việt, sản xuất bia, rượu là ngành có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội giải quyết nhiều việc việc làm cho lao động. Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2016 đạt trên 48 nghìn tỷ đồng.

Ông Việt cho rằng, nếu sử dung rượu, bia phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và chưa có vụ ngộ độc nào có nguyên nhân do sử dụng bia hoặc rượu có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.

"Hiện tại, các đề xuất trong Bản dự thảo Luật mới nhất không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia. Như vậy Luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh, tăng cường hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả", ông Việt nói và góp ý, dự luật cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu dân tự nấu, rượu thuốc đang bán tràn lan, trôi nổi trên thị trường vì đó mới là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc, chết người gần đây.

Trong khi đó, nhắc đến đề xuất cấm bán rượu, bia trong quán karaoke của Bộ Y tế mới đây, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội băn khoăn về lý do, cơ sở của đề xuất này.

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, muốn cấm phải dựa trên thực tiễn, trả lời rõ các câu hỏi: Anh đang theo đuổi mục tiêu gì? Muốn tách giữa karaoke và rượu, muốn chống người ta uống, hay là các vấn đề khác?... Theo vị ĐBQH này, Luật mà không có mục tiêu là không được. Bên cạnh đó, nếu cấm thì vấn đề kiểm soát được thực hiện ra sao, cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào luật, tránh tình trạng luật chưa được thực hiện đã phải sửa đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.