Hàng hải

Việt Nam lần đầu được vào ban lãnh đạo Nhóm chuyên gia hàng hải APEC

03/08/2022, 15:30

Việc được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải APEC khẳng định tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Thư ký APEC đã tổ chức Lễ bàn giao vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải APEC (MEG) theo hình thức trực tuyến.

Trong đó, đại diện phía Việt Nam là bà Trần Thị Tuyết Mai Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế -IMO (Cục Hàng hải Việt Nam) đã được giao vị trí Phó Chủ tịch. Đảm nhận vị trí Chủ tịch là ông Mohamad Halim Bin Ahmed, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Malaysia.

img

Bà Trần Thị Tuyết Mai Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải APEC (MEG)

Bà Mai Anh đã bày tỏ lòng cảm ơn tới các nền kinh tế thành viên APEC đã tin tưởng và ủng hộ Việt Nam đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải APEC.

Đồng thời, bà cam kết trong vai trò mới sẽ tiếp tục nỗ lực, hỗ trợ Chủ tịch hoàn thành các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch Covid-19.

Trước đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Ngoại giao về việc khuyến khích các bộ ngành giới thiệu cán bộ ứng cử các vị trí chủ chốt tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng nhiệm kỳ 2022-2024, Bộ GTVT đã đề cử bà Mai Anh ở vị trí Phó Chủ tịch MEG và đã được các nền kinh tế thành viên nhất trí.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ năm 1998. Nhưng đây là lần đầu tiên, Việt Nam ứng cử vị trí Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải và được tín nhiệm bầu giữ vị trí quan trọng này.

img

Buổi lễ bàn giao vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch của MEG

Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Mai Anh cho biết điều này đã thể hiện sự thể hiện nỗ lực, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trong diễn đàn đa phương APEC.

Tân Phó Chủ tịch Nhóm chuyên gia hàng hải APEC (MEG) khẳng định thời gian tới sẽ có thêm nhiều công việc hơn, nhiều cuộc họp đa phương hơn. Dù bận rộn nhưng bà sẽ cố gắng vì vị thế của Việt Nam. Đặc biệt, khi có thành viên trong ban lãnh đạo của MEG, Việt Nam cũng có thể có nhiều cơ hội.

"Ở vị trí mới, tôi sẽ nắm bắt được tiến trình các nước đang thực hiện đối với lĩnh vực hàng hải. Từ đó, có thể thấy được những điểm mà Việt Nam có thể học tập, chia sẻ. Ngoài ra, khi có các đề xuất dự án với nguồn kinh phí từ APEC, phía Việt Nam cũng có thể có thông tin để các đơn vị tham gia ứng tuyển. Nếu nắm bắt được điều đó, chính là cơ hội cho Việt Nam", bà Mai Anh chia sẻ.

MEG thuộc nhóm hàng hải, là một trong bốn nhóm chuyên gia chuyên ngành do Nhóm công tác giao thông vận tải APEC (TPTWG) thành lập.

Mục tiêu của MEG nhằm thúc đẩy môi trường hoạt động hiệu quả, an toàn, an ninh và cạnh tranh cho vận tải biển, nâng cao năng lực của các cảng bằng cách nâng cao hiệu quả của các cảng và các hoạt động liên quan trong khu vực APEC.

Hoạt động của MEG cũng để hỗ trợ nền kinh tế của các đơn vị thành viên phát triển, cũng như thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực APEC, đồng thời đạt được sự phát triển bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.