Trao đổi với Báo Giao thông bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 vừa diễn ra, Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, đây sẽ là ưu tiên trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình.
Hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là trọng tâm
Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, nước Anh có 4 xứ: Vương quốc Anh, Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales. Mỗi một nơi có những thế mạnh riêng mà Việt Nam có thể tranh thủ.
Dựa trên các cơ sở làm việc tiếp xúc, hiểu rõ tiềm năng thế mạnh của từng địa phương ở hai nước, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các đối tác, địa phương, doanh nghiệp Anh - Việt Nam để xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ trong từng lĩnh vực.
Vương quốc Anh là nơi có hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới
Một trong những lĩnh vực rất tiềm năng và sẽ là trọng tâm mà ông Long dự kiến thúc đẩy trong nhiệm kỳ Đại sứ chính là hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở.
Theo Đại sứ, nước Anh là một trong những cường quốc về xây dựng các công trình hạ tầng lớn, trọng yếu như đường sá, sân bay, cảng biển, tàu điện ngầm.
Nổi bật là các dự định phát triển hệ thống tàu điện ngầm. Anh vốn là nước có hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới.
Ngay trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế cần góp phần xây dựng thể chế kinh tế cho phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, thu hút công nghệ xanh, sạch, tài chính xanh, kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy các FTA có hiệu quả; đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư và đưa các ngành, lĩnh vực kinh tế tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh mạng…
Hơn nữa, khi Việt Nam hướng tới đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm khí thải thì tàu điện ngầm lại càng quan trọng.
Đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất cần, từ vốn, công nghệ, tư vấn đến chuyên gia.
Hai địa phương đang được nhắm tới là Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt với các dự án sân bay và tàu điện ngầm.
Một lĩnh vực giao thông khác mà Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cũng đang quan tâm là tăng cường kết nối hàng không. Trước hết, đây là hình thức vận tải để đưa các nhà đầu tư, kinh doanh từ Anh vào Việt Nam và ngược lại.
Thứ hai, vận tải hàng không đang vươn lên trở thành phương thức vận tải hàng hóa cực kỳ hiệu quả và cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay nhiều chuỗi logistics cảng biển, đường biển đang bị đứt gãy.
“Nhiều luồng hàng hóa ưu tiên chọn hàng không, đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam. Nếu chúng ta có các đường bay vận tải hàng thường xuyên liên tục thì lượng hàng xuất khẩu rất lớn”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết.
Thứ ba là du lịch, Việt Nam đang là điểm đến rất hấp dẫn. Trước đại dịch, lượng khách du lịch từ Anh sang Việt Nam tăng 10 - 15%. Dự báo, sẽ có sự bùng nổ về khách du lịch trong thời gian tới khi dịch bệnh thuyên giảm.
Lợi ích kép từ hợp tác giáo dục “xanh”
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, Anh là một cường quốc giáo dục và là đối tác hợp tác giáo dục đại học quan trọng nhất của Việt Nam.
Từ nhiều năm qua, Anh là nơi có số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học hàng đầu trên thế giới; số lượng trường đại học hợp tác với Việt Nam nhiều nhất là của Anh.
Số chương trình hợp tác đào tạo lớn nhất cũng là từ “xứ sở xương mù”. Thời gian tới, hai bên có thể thúc đẩy thêm 2 lĩnh vực hợp tác giáo dục đào tạo là giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. Ảnh: Tuấn Anh - Báo Quốc tế
“Đối với đào tạo phổ thông, Anh có nhiều trường đại học đẳng cấp, thương hiệu lớn uy tín hơn 600 - 700 năm. Họ có thể phối hợp với các trường đại học, công ty của Việt Nam để đưa chất lượng, chương trình, thương hiệu của mình sang Việt Nam, giúp học sinh Việt Nam có thể hưởng chất lượng đào tạo cao mà không cần đi xa.
Sau đó, các em có thể học đại học ở nước ngoài, vào những trường lớn ở Anh, Mỹ và các nước khác", Đại sứ Long nói và cho biết, thời gian qua, đã có 2 trường lớn của Anh tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Anh sẽ chú trọng đào tạo nghề “xanh”, tức là những ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây là xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.
Hơn nữa, khi Anh tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế xanh, có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam, dĩ nhiên sẽ cần có công nhân, thợ lành nghề trong lĩnh vực đó. Nhân cơ hội này, Việt Nam cũng có thêm nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh của đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận