Trong nước

Việt Nam tại SEA Games 28: 13 kỷ lục, 2 chuẩn Olympic

17/06/2015, 06:36

Chung cuộc Việt Nam đã có tới 73 HCV, đứng thứ ba toàn đoàn, với 20 HCV hơn đoàn xếp sau là Malaysia.

SEA Games 28
Nụ cười chiến thắng của Ánh Viên.

Chỉ đặt ra mục tiêu từ 56-65 HCV, nhưng các VĐV đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tranh tài tại Singapore đã có tới 73 lần bước lên bục cao nhất, bảo vệ vững chắc vị trí thứ 3 toàn đoàn. Nếu như các môn cá nhân tỏa sáng, đặc biệt rực rỡ với "hiện tượng" Ánh Viên, thì các môn thi đấu tập thể rõ nhất là bóng đá nam, tiếp tục gây thất vọng.

Hiện tượng Ánh Viên

Với 8 HCV kèm theo 8 kỷ lục, gương mặt 19 tuổi quê Cần Thơ đã trở thành hiện tượng lớn nhất của TTVN sau 14 lần tham gia sân chơi khu vực, cũng như xứng danh ngôi sao số 1 của kỳ Đại hội lần này. Viên là một trong ba VĐV giành nhiều HCV nhất trong lịch sử SEA Games, và đáng nể hơn là người phá được nhiều kỷ lục cá nhân nhất.

Chính màn trình diễn siêu hạng theo cách đầy tự nhiên của tay bơi này đã giúp cho môn bơi, phần nào đó có được đột phá cả về diện mạo lẫn nền tảng. Viên đã một tay vẽ lại bản đồ đường bơi xanh Đông Nam Á, khiến cường quốc số 1 Singapore vốn luôn độc chiếm cũng phải nể phục. Tài năng, ý chí và khát vọng của siêu kình ngư này được hội tụ đỉnh cao ở kỳ tích  đoạt hai HCV, phá hai kỷ lục hai cự ly siêu khó 800 m tự do và 400 m hỗn hợp chỉ trong đúng 30 phút.

Môn bóng đá nam dù được kỳ vọng ít nhất cũng có mặt ở trận chung kết nhưng đã thất bại đau ngay từ bán kết. Đây chắc chắn sẽ là một nốt trầm buồn nhức nhối trong hành trình SEA Games đột phá của TTVN.

Vượt qua giá trị chuyên môn thuần túy, kỷ lục gia này đã làm dậy sóng làng thể thao Đông Nam Á, cũng như khiến người hâm mộ cả nước nức lòng. Không phải ngẫu nhiên, ngay lập tức có cả một quỹ khuyến khích bơi mang tên Ánh Viên được thành lập.

13 kỷ lục và hai chuẩn Olympic

SEA Games 28 được coi là một thành công lớn về nhiều mặt của TTVN, từ việc vượt xa chỉ tiêu đặt ra với 73 HCV, sự áp đảo của các môn Olympic, đến nhiều thông số chuyên môn đạt tầm châu lục, tiếp cận với thế giới.

Trước Đại hội, ngành thể thao chỉ dè dặt đặt đích giành 56-65 HCV nằm trong top đầu trên bảng xếp hạng. Thế nhưng, chung cuộc Việt Nam đã có tới 73 HCV, đứng thứ ba toàn đoàn, với 20 HCV hơn đoàn xếp sau là Malaysia. Trong số 73 HCV có tới 64 HCV ở các môn Olympic, nổi bật với điền kinh (11 HCV), bơi (10 HCV), thể dục dụng cụ (9 HCV), đấu kiếm (8 HCV), rowing (8 HCV). Thành quả đó đánh dấu một bước ngoặt về cách nghĩ, cách làm và hiệu quả theo đúng xu hướng hội nhập, vươn ra quốc tế của TTVN thay vì chỉ quanh quẩn ở tầm mức khu vực, với các môn “đi tắt đón đầu”.

Tại SEA Games 28, các VĐV Việt Nam cũng phá được tới 13 kỷ lục SEA Games- một con số cao chưa từng có. Một mình môn bơi đóng góp 9 kỷ lục, riêng Ánh Viên là 8. Lần đầu tiên, có tới hai thành tích đạt và vượt chuẩn Olympic 2016, đều thuộc về chân chạy còn rất trẻ Nguyễn Thị Huyền ở hai nội dung chạy 400 m và 400 m rào.

Các môn bóng lép vế

Giống như các kỳ Đại hội trước, các môn bóng tiếp tục phơi bày kết quả yếu kém, tụt hậu so với chính đỉnh cao khu vực và hoàn toàn lép vế so với các môn cá nhân của TTVN. Môn, hay nói chính xác hơn, nội dung duy nhất của nhóm các môn bóng có thể coi là đã thành công chỉ là bóng chuyền nam, khi xuất sắc lọt vào tới chung kết lần thứ hai.

Còn lại ở các mức khác nhau đều gây thất vọng. Bóng đá nam dừng bước ở bán kết. Bóng chuyền nữ lần thứ 8 liên tiếp thảm bại trước người Thái trong cuộc đấu tranh ngôi đầu. Bóng bàn phải trầy trật, và nhờ đến cả may mắn mới hoàn thành chỉ tiêu có HCB. Cầu mây đã văng xa khỏi nhóm hàng đầu.  Quần vợt, bóng rổ không có nổi huy chương nào. Rất bi hài vì hai môn bóng mang về HCV billiards (1 HCV) và bi sắt (1 HCV) lại gần như không thể bù đắp được gì cho các “đồng đội” của mình bởi đó là hai môn không phổ biến, nằm ngoài hệ thống Olympic.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.