Giao thông

Việt Nam tạo sân chơi bình đẳng đầu tư hạ tầng giao thông

30/03/2018, 17:51

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Việt Nam luôn tạo sân chời bình đẳng trong đầu tư hạ tầng giao thông.

Bo-truong-GTVT-Nguyen-Van-The-phat-bieu-tai-HN-GMS

Bộ trưởng Bộ GTVT VN Nguyễn Văn Thể khẳng định, Chính phủ VN luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, chiều nay (30/3) diễn ra nhiều phiên họp với nhiều chủ đề quan trọng.

Quan chức, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ các nước, các định chế, tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã thảo luận, đóng góp ý kiến với các chủ đề: Phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; Nông nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động cơ phát triển bền vững ở các quốc gia GMS; Các quốc gia GMS đã hưởng lợi to lớn từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại, dịch vụ xuyên biên giới.

Tại phiên họp phát triển hạ tầng và tài chính cho hạ tầng, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến việc xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả tài sản công, cơ chế tài chính khả thi cho các dự án. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT VN Nguyễn Văn Thể có bài phát biểu, nhấn mạnh cơ sở hạ tầng đóng một vài trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, hạ tầng GTVT giữ vai trò quan trọng.

"Những năm qua, Chính phủ VN đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên chưa đồng đều và chưa đồng bộ giữa các phương thức vận tải nên chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đồng đều hạ tầng các lĩnh vực giao thông để tăng tính kết nối giữa các phương thức vận tải, đẩy mạnh logistics, giảm chi chí vận tải. Trong đó, tập trung phát triển đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, tổ chức hợp tác đầu tư, tạo sân chơi bình đẳng”, Bộ trưởng cam kết.

phien-hop-GMS-ve-dau-tu-ha-tang

Các đại biểu tại phiên họp đều thống nhất rằng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng và có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực này. 

Theo Bộ trưởng, việc đầu tư hạ tầng hiện nay chưa tương xứng nhu cầu phát triển kinh tế và là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, cùng với thể chế và nguồn nhân lực. Vì vậy, những năm qua, Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực: vốn trong nước, vốn ODA để phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

GTVT là mạch máu của nền kinh tế, GTVT tốt thì các ngành kinh tế có đủ điều kiện phát triển. Giao thông thuận lợi, hàng hóa có thể lưu thông dễ dàng, các khu công nghiệp có thể phát triển. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, từ Trung ương đến cấp địa phương đều dành nguồn lực đáng kể để hoàn thiện hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, kể cả đường giao thông nông thôn để phục vụ đời sống người dân.

“Việt Nam xây dựng nền kinh tế mở, làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, là bạn của Việt Nam, các Chính phủ, các tổ chức quốc hỗ trợ vốn ODA cho các dự án hạ tầng để chúng tôi sớm hoàn thiện được hệ thống hạ tầng, giúp cho Việt Nam có nền kinh tế tốt. Hy vọng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế coi Việt Nam là một điểm đến vì sắp tới, không chỉ lĩnh vực giao thông, Việt Nam sẽ thực hiện đầu tư với hình thức PPP ở các lĩnh vực”, Bộ trưởng nói.

Cũng tại diễn đàn về hạ tầng, Đại sứ Nhật Bản tại VN Umeda Kunio chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng tại Nhật Bản và cho biết, năm 2016 Nhật Bản dành khoảng 200 tỉ USD hỗ trợ các dự án hạ tầng tại các nước. Việc hỗ trợ tài chính đầu tư này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng hiện hữu mà còn nhằm đem lại hiệu quả thực sự trong khai thác hạ tầng, đặc biệt là vấn đề kết nối.

Cũng theo Đại sứ Umeda Kunio, tới đây cần phát triển cả cơ sở hạ tầng mềm cùng với cơ sở hạ tầng cứng mới, việc kết nối giao thông, thương mại giữa các nước GMS mới hiệu quả.

Đồng quan điểm, bà Supee Teravaninthorn, Vụ trưởng Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư 1, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á cho rằng, để phát triển hội nhập, các nước GMS cần tập trung vào hạ tầng 3 lĩnh vực chính là: điện, GTVT và công nghệ thông tin (kết nối số). Trong đó, kết nối hạ tầng GTVT vô cùng quan trọng nhưng cần đầu tư đồng bộ cả kết nối mềm, nếu không sẽ lãng phí đầu tư, lãng phí cơ hội phát triển.

Các đại biểu tại phiên họp đều thống nhất rằng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng và có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.