Thời sự Quốc tế

Việt Nam thiết lập ngoại giao với quốc gia thứ 191

07/01/2023, 10:23

Ngày 6/1, Việt Nam và Bahamas nhất trí trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp Đại sứ, đưa số quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên 191.

Tại trụ sở Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Stan Oduma Smith, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Bahamas tại LHQ thay mặt Chính phủ Bahamas đã ký “Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bahamas”.

Việt Nam và Bahamas nhất trí trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp Đại sứ theo Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự.

Cùng ngày, văn bản Thông cáo chung đã được gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để lưu hành tại cơ quan này và thông báo đến các quốc gia thành viên.

img

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (bên phải) và Đại sứ Stan Oduma Smith, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Bahamas tại Liên hợp quốc, ký “Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bahamas”. Ảnh: Thanh Tuấn/ P/v TTXVN tại New York.

Sau lễ ký, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã trao đổi với Đại sứ Stan Oduma Smith về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và hai bên đều khẳng định đây sẽ là khởi đầu mở ra quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin để tìm hiểu các thế mạnh của hai nước và tiềm năng hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ du lịch, ngân hàng, công nghệ thông tin và nông nghiệp. Hai đại sứ cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại LHQ và các diễn đàn đa phương khác.

Trước đó, phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bahamas thể hiện rõ đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

img

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (bên phải) và Đại sứ Stan Oduma Smith, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Bahamas tại Liên hợp quốc, trao đổi “Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bahamas”. Ảnh: Thanh Tuấn/ P/v TTXVN tại New York.

Đại sứ đánh giá sự kiện này là bước khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện giữa hai nước. Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ trong thời gian tới hai bên sẽ ưu tiên xúc tiến trao đổi đoàn để tìm hiểu lợi thế của mỗi nước, trên cơ sở đó thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch và tài chính…

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đồng thời nhấn mạnh Việt Nam và Bahamas chia sẻ nhiều quan điểm, lập trường trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, tại LHQ cũng như các diễn đàn đa phương khác và đây sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.Về phần mình, Đại sứ Bahamas Stan Oduma Smith bày tỏ vui mừng và hy vọng vào mối quan hệ với Việt Nam, đồng thời cho rằng Bahamas và Việt Nam có nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác như thương mại, đầu tư, du lịch và an ninh lương thực…

Với việc thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với Bahamas, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia trên thế giới, qua đó tiếp tục thể hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, coi trọng phát triển quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribbean.

Bahamas là một trong các quốc gia thành viên của Khối thịnh vượng chung có tiềm lực kinh tế mạnh ở khu vực Caribbean, đặc biệt về du lịch và dịch vụ tài chính, với dân số khoảng 393.000 người.

Bahamas với hơn 700 hòn đảo lớn nhỏ, được mệnh danh là “thiên đường của hạ giới”, nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp say đắm lòng người, vẻ đẹp quyến rũ, hoang sơ và vô cùng lãng mạn.

Nền kinh tế Bahamas chủ yếu dựa vào du lịch, ngành này chiếm hơn 60% GDP của Bahamas, cung cấp việc làm cho hơn một nửa lực lượng lao động của cả nước.

Sau du lịch, lĩnh vực kinh tế quan trọng tiếp theo là ngân hàng và dịch vụ tài chính quốc tế, chiếm khoảng 15% GDP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.