Thế giới giao thông

Việt Nam trong top đầu phát triển hạ tầng tại châu Á

07/04/2017, 09:16

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua hạ tầng.

39

Tờ Bloomberg nhận định, dù chỉ là một đất nước nhỏ bé nhưng Việt Nam đang dẫn đầu cuộc đua hạ tầng tại châu Á 

Dù là đất nước nhỏ bé tại châu Á nhưng Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua hạ tầng. Đây là nhận định của tờ báo tài chính uy tín Bloomberg về tình hình phát triển hạ tầng Việt Nam thời gian qua.

Việt Nam sẽ là “con hổ kinh tế kế cận”

Tờ Bloomberg dẫn thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, đầu tư công và tư vào hạ tầng của Việt Nam trung bình chiếm 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nhiều năm trở lại đây. Đó là mức cao nhất tại Đông Nam Á và ngang ngửa với mức 6,8% tại Trung Quốc.

ADB ước tính, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á cần phải đầu tư tối đa 26 nghìn tỷ USD vào xây dựng hệ thống giao thông, thúc đẩy nguồn cung điện lực và nâng cấp các hệ thống vệ sinh, nước tính đến năm 2030.

Trong đó, riêng đầu tư cho giao thông cần tới 8,4 nghìn tỷ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam đang không ngừng cải thiện hạ tầng để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, tiến tới trở thành “con hổ kinh tế kế cận” của châu Á - Bloomberg nhận định.

Nhà kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, có trụ sở tại Singapore, ông Eugenia Victorino cho biết: “Chính phủ Việt Nam hiểu, nếu họ muốn cạnh tranh thu hút đầu tư, lợi thế chi phí lao động thấp là chưa đủ. Họ cần phải có hạ tầng đủ tốt để các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy. Tình hình phát triển hạ tầng tại Việt Nam đang ngày càng năng động; Hàng loạt sân bay, đường sá được xây dựng trên khắp cả nước”.

Và những nỗ lực này đều được đền đáp xứng đáng. Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam tăng mức kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, kinh tế sẽ tăng trưởng hơn 6% tính đến năm 2019, vươn lên hàng top về tăng trưởng kinh tế trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Thách thức với Việt Nam trong cuộc đua hạ tầng

Dù vậy, thách thức đặt ra với Việt Nam cũng rất lớn. Để trở thành “con hổ tương lai của châu Á”, Việt Nam cần 480 tỷ USD tính đến năm 2020 để đầu tư vào hạ tầng bao gồm 11 nhà máy điện với tổng năng suất 13.200MW và khoảng 1.380km đường cao tốc - Bloomberg dẫn thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết.

Tờ báo nhắc lại, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT tăng cường các kế hoạch thu hút đầu tư tư nhân để xây dựng hạ tầng trong bối cảnh ngân sách quốc gia chỉ có thể đáp ứng 1/3 nhu cầu tài chính cho các kế hoạch này.

Hiện nay, đầu tư tư nhân trong chi tiêu hạ tầng tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 10% - Giám đốc phát kiển kinh tế ADB, Rana Hasan cho hay.

So với các nước khác, tại Ấn Độ, ngành tư nhân đóng vai trò lớn hơn, chiếm hơn 30% trong tổng đầu tư hạ tầng. Chính phủ Ấn Độ ước tính, họ cần hơn 1,5 nghìn tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu hạ tầng trong 1 thập kỷ tới nhằm hiện đại hóa hàng loạt công trình đường sắtđường bộ đã rệu rã.

Một thách thức khác đó là, các nước trong khu vực châu Á cũng đang rốt ráo thực hiện kế hoạch bắt kịp cuộc đua này. Nếu không nhanh chân, Việt Nam có thể bị mất vị trí bất cứ lúc nào. Hiện nay, Tổng thống Philippines bắt tay thực hiện tham vọng về chi tiêu hạ tầng, chiếm 7% GDP, tương đương 160 tỷ USD tính đến năm 2020.

Trong khi Tổng thống Indonesia đang cố gắng hiện thực hoá các kế hoạch hạ tầng trong những năm đầu nhiệm kỳ. Hiện nay, Chính phủ Indonesia đang tăng cường các dự án bao gồm một kế hoạch kết nối các đảo chính bằng đường thu phí và xây dựng đường sắt dài 720km từ Jakarta đến Surabaya.

Malaysia vốn tự hào với hệ thống hạ tầng tầm cỡ thế giới cũng đang xúc tiến thực hiện nhiều dự án giao thông bao gồm xây dựng đường ray mới tại Thủ đô Kuala Lumpur, đường cao tốc Pan Borneo dài 2000km, đường cao tốc Bờ Tây.

Tại Pakistan, để củng cố cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2018, Thủ tướng Nawaz Sharif cam kết sẽ giải quyết triệt để vấn đề thiếu năng lượng, bù đắp lỗ hổng về hạ tầng để đưa đất nước đạt mục tiêu tỉ lệ phát triển kinh tế 7% trong 2 năm. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn, Pakistan đang hướng đến Trung Quốc khi nước này hứa hẹn sẽ đầu tư vào các dự án trị giá khoảng 55 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.