Chính trị

Việt Nam ủng hộ tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên

28/02/2019, 19:28

Đó là quan điểm được người phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra khi nói về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vừa kết thúc tại Hà Nội

img
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã không đạt được thoả thuận như mong muốn

Chiều 28/2, trả lời câu hỏi của báo chí về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong hai ngày qua, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đã theo dõi sát sao Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội.

Bà Hằng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã khẳng định cuộc gặp gỡ tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên. Qua đối thoại tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã có nhiều nỗ lực tích cực, xây dựng trao đổi nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoà bình, phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.

Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhờ vậy, vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị và tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao cũng cho biết, Việt Nam chia sẻ mong muốn của cộng đồng quốc tế là các bên tiếp tục kiên trì đối thoại giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên; sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hoà bình, phối hợp thúc đẩy tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.