Thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, NHNN và theo chính sách đảm bảo kinh doanh liên tục của Vietcombank, nhất là sau Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3, Vietcombank đã lập tức vận hành kế hoạch dự phòng nhằm chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người lao động và khách hàng cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, ổn định của ngân hàng.
Chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng ứng phó khẩn cấp từ sớm
Kế hoạch dự phòng của Vietcombank bao gồm đầy đủ các khía cạnh về: Y tế, Nhân sự, Kinh doanh và Truyền thông đã được xây dựng, chuẩn bị và triển khai tại tất cả các đơn vị trong hệ thống Vietcombank.
Tại 111 trụ sở chi nhánh và gần 500 điểm/phòng giao dịch trên cả nước đều đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ứng phó với dịch bệnh theo từng kịch bản, từng cấp độ rủi ro, trong đó có phương án hỗ trợ giữa các điểm giao dịch, các chi nhánh trong trường hợp cần thiết.
Nhiều biện pháp dự phòng về y tế đã được triển khai đồng bộ ngay từ cuối tháng 1/2020 bao gồm: Khử khuẩn thường xuyên các điểm làm việc và giao dịch; Vệ sinh và khử khuẩn các vị trí/điểm tiếp xúc công cộng (tay nắm cửa, quầy giao dịch; thang máy, ATM…); Trang bị những vật dụng phòng hộ cho cán bộ và khách hàng; Khuyến cáo áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ nhân viên và đề nghị khách hàng cùng hợp tác thực hiện…
Vietcombank khẳng định tiếp tục mở cửa duy trì hoạt động và cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khách hàng tại 111 chi nhánh và 500 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc Vietcombank với thời gian giao dịch như thường lệ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, duy trì hoạt động bình thường của hệ thống trên 2.500 máy ATM, hệ thống giao dịch ngân hàng điện tử và tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 của Vietcombank (trừ trường hợp cơ quan chức năng có yêu cầu khác).
Vietcombank cũng đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp dự phòng hạn chế lây nhiễm và đảm bảo sức khỏe của cán bộ nhân viên, duy trì lực lượng lao động đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng trong mỗi tình huống như làm việc từ xa, làm việc theo ca cũng như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dự phòng về nhân sự, trang thiết bị y tế và hệ thống xử lý dữ liệu.
Loạt giải pháp đã được triển khai
Ngay từ ngày 10/2/2020, Vietcombank đã chủ động, tiên phong công bố các giải pháp cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 thông qua việc miễn, giảm lãi; Giảm phí, thực hiện cho vay mới và cơ cấu lại các khoản nợ và được thực hiện ngay từ ngày 11/2/2020.
Để có thể hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietcombank đã tập huấn, đào tạo và truyền thông vào thời điểm ban hành chính sách nhằm thống nhất trong triển khai các quy định nội bộ, thúc đẩy thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong toàn hệ thống và quán triệt tuân thủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Ngày 20/3/, Vietcombank đã ban hành 2 văn bản hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai qua cầu truyền hình để quán triệt toàn bộ các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Thống đốc NHNN và tập huấn toàn bộ văn bản hướng dẫn cụ thể của Vietcombank tới 111 chi nhánh trên toàn quốc cùng với các phòng ban trung tâm liên quan tại trụ sở chính.
Sau 1 tuần thực hiện, ngày 30/3, nhằm thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ban lãnh đạo Vietcombank đã họp trực tuyến nhằm tiếp tục quán triệt các nguyên tắc thực hiện, giải đáp các khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện hỗ trợ khách hàng. Đây là cơ sở quan trọng để Vietcombank cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ một cách nhanh chóng và đồng bộ trên toàn hệ thống, kịp thời hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định lại sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng CP và NHNN.
Có thể mở rộng tín dụng lãi suất thấp lên tới 150.000 tỷ đồng
Cho tới nay, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid–19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 120.000 tỷ đồng và có thể mở rộng tới 150.000 tỷ đồng.
Về phí dịch vụ, Vietcombank đã giảm đồng loạt phí giao dịch ngân hàng điện tử 24/7 nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và chống hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song, từ 23/1 đến nay, Vietcombank đã giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Không chỉ có vậy, Vietcombank còn đồng hành cùng với khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền để có những tư vấn và hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Ngoài ra, Vietcombank cũng đã ủng hộ bằng tiền lên tới trên 15 tỷ đồng cho các tổ chức, đơn vị để phóng chống dịch, mua các trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận