Hạ tầng

Vietjet xin xây nhà ga Cát Bi 2, ACV không đồng tình

13/07/2017, 08:24

AVC cho rằng, việc đầu tư nhà ga hành khách thứ 2 trên cơ sở đề nghị của Vietjet là chưa cần thiết.

Minh Lý

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không Cát Bi. Ảnh: Minh Lý

Mặc dù trước đó, UBND TP Hải Phòng đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Công ty CP Hàng không Vietjet đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2, CHK quốc tế Cát Bi.

Hải Phòng đề nghị để Vietjet xây nhà ga thứ 2

Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng đã đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Công ty CP Hàng không Vietjet là nhà đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2, CHK quốc tế Cát Bi.

Cụ thể, theo UBND TP Hải Phòng, nhà ga hiện nay tại Cát Bi có công suất thiết kế đạt 4 triệu khách/năm, đảm bảo phục vụ cùng lúc 6 tàu bay A320, A321 và tương đương trở lên với khoảng 2.000 khách/giờ cao điểm. Với sản lượng hành khách đạt 1,3 triệu vào năm 2015, tăng 37% lên 1,8 triệu vào năm 2016, dự báo sản lượng khách qua CHK quốc tế Cát Bi có thể lên tới 5 triệu khách/năm vào năm 2020, vượt công suất thiết kế.

Từ đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng: “Việc nghiên cứu, lập dự án đầu tư một nhà ga hành khách thứ 2 tại Cát Bi ngay từ thời điểm hiện tại là cần thiết, bởi sẽ cần tối thiểu 2 năm cho công tác chuẩn bị đầu tư và xây dựng nhà ga mới”.

Cũng theo ông Tùng, Vietjet đã chủ động đề xuất được tham gia đầu tư 6.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách có công suất 8 - 10 triệu khách/năm, trong đó trước mắt giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà ga công suất 5 triệu khách/năm, đồng thời xây dựng sân đỗ tàu bay, đường lăn kết nối với các công trình hiện hữu nhằm đáp ứng sự tăng trưởng lượng hành khách thông qua cảng, đặc biệt khi nhà ga hiện hữu đã đạt tới hạn công suất (dự kiến vào năm 2019). Đáng chú ý, trong tổng số 6.000 tỷ đồng đầu tư vào Cát Bi, Vietjet cho biết, 30% là vốn tự có của doanh nghiệp, 70% do Ngân hàng TMCP phát triển TP HCM làm đầu mối thu xếp.

Nếu được chấp thuận, dự kiến dự án sẽ được khởi công ngay trong quý IV/2017 để có thể hoàn thành gia đoạn 1 vào quý IV/2019.

Liên quan đến việc đầu tư nhà ga hành khách mới tại Cát Bi, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, dự kiến sản lượng hành khách tại CHK quốc tế Cát Bi trong năm 2017 có thể lên tới 2,1 triệu khách. Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại CHK quốc tế Cát Bi giai đoạn đến năm 2025, sản lượng vận chuyển sẽ đạt 8 triệu khách/năm.

“Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo, nhà ga hành khách hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Do đó, việc đầu tư thêm một nhà ga hành khách tại Cát Bi là cần thiết. Về hình thức đầu tư, Cục Hàng không VN cũng thống nhất với chủ trương xã hội hóa các công trình hàng không”, ông Cường nêu quan điểm.

Theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/9/2012 điều chỉnh Quy hoạch CHK quốc tế Cát Bi, “… giai đoạn đến năm 2015, xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình, công suất 4 - 5 triệu khách/năm và có dự phòng đất để mở rộng nhà ga đạt công suất 7 - 8 triệu khách/năm khi có nhu cầu. Sau khi đưa nhà ga mới vào khai thác, nhà ga cũ sẽ được chuyển thành ga hàng không giá rẻ, ga hàng hóa hoặc sử dụng với mục đích khác”.

ACV nói “chưa cần thiết”

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện theo TCT Cảng hàng không VN (ACV) - đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý khai thác nhà ga hiện tại tại Cát Bi cho rằng, việc đầu tư nhà ga hành khách thứ 2 theo đề nghị của UBND TP Hải Phòng trên cơ sở đề nghị của Vietjet tại thời điểm năm 2017 là chưa cần thiết.

Cụ thể, theo TGĐ ACV Lê Mạnh Hùng, doanh nghiệp này dự báo sản lượng hành khách năm 2017 của Cát Bi đạt 2,3 triệu lượt và dự kiến đạt 3,6 triệu lượt khách/năm vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 6 triệu khách/năm vào năm 2025 và 8,5 triệu khách/năm vào năm 2030.

Với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay, Cát Bi đang có công suất khai thác 4 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng theo dự báo đến năm 2020. Từ năm 2020, ACV sẽ đầu tư tăng công suất nhà ga hiện hữu bằng cách bố trí thêm 2 gates đôi (cổng đôi) để tăng số lượng cổng khai thác từ 6 lên 8 giúp nhà ga có thể khai thác tối đa 8 chuyến bay/giờ cao điểm với số lượng hành khách giờ cao điểm là 2.600 khách, công suất thực tế nhà ga đạt 6 triệu khách/năm.

Sau đó, nếu thực tế sản lượng tăng trưởng tiệm cận với dự báo, trong giai đoạn 2024 - 2025, ACV sẽ không đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 mà tiếp tục cải tạo nhà ga cũ để khai thác chuyến bay trong nước với công suất 1 - 2 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của Cát Bi lên 7 - 8 triệu khách/năm, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng theo dự báo đến năm 2030.

Ngược lại, trong trường hợp sản lượng khai thác thực tế vượt cao so với dự báo của quy hoạch được duyệt, giai đoạn 2023 - 2025, ACV sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách số 2 với quy mô tương đương nhà ga hiện hữu (4 - 6 triệu khách/năm) tại vị trí theo đúng quy hoạch được duyệt, nâng tổng công suất CHK quốc tế Cát Bi lên 10 - 12 triệu khách/năm.

Ngoài ra, theo ACV, doanh nghiệp này đã đầu tư nâng cấp CHK quốc tế Cát Bi theo quy hoạch được duyệt với tổng số vốn đầu tư đến thời điểm này là 2.000 tỷ đồng. “Nếu đầu tư xây dựng nhà ga hành khách số 2 bằng nguồn vốn xã hội hóa theo đề nghị của UBND TP Hải Phòng, nhà ga hành khách hiện hữu sẽ bị chia sẻ sản lượng khai thác từ năm 2019 và sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí vốn đầu tư do cả 2 nhà ga đều khai thác không hết công suất”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Việc chia sẻ sản lượng cũng sẽ làm giảm doanh thu của nhà ga hiện hữu, kéo dài thời gian thu hồi vốn và làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án đã được phê duyệt, ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch đầu tư của ACV. 

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.