Hàng không

Cách nào cứu Vietnam Airlines khỏi "bờ vực phá sản" do Covid-19?

07/08/2021, 07:00

Các chuyên gia cho rằng ngoài việc chờ hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân Vietnam Airlines cũng phải tìm cách tự cứu mình.

Hàng không chịu tác mạnh do Covid-19

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo báo cáo Thủ tướng đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Duy Đông ký nêu rõ, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Khả năng thanh toán của các DN suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhận định Vietnam Airlines “đang bên bờ vực phá sản”.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM khẳng định, hàng không là ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, chính phủ các nước đều hỗ trợ các hãng hàng không.

img

Ứng phó với Covid-19, Vietnam Airlines đã tổ chức lại lao động và sản xuất như: giảm 4 đầu mối ở cấp Tổng công ty và khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, đóng góp của hàng không vào nền kinh tế rất lớn. Theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA), mỗi việc làm của hãng hàng không sẽ hỗ trợ tới 24 việc làm khác trong chuỗi giá trị của ngành du lịch, lữ hành. Du lịch là ngành kinh tế có tính lan tỏa rất cao, nên lại tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ khác.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, với các giải pháp tài chính, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên tránh việc cào bằng giữa các hãng hàng không mà nên tập trung cho những hãng lớn, có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, làm động lực để khôi phục cho toàn ngành hàng không.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là doanh nghiệp mà Nhà nước đang đóng vai trò là chủ sở hữu 86% vốn tại đây, đó là hãng hàng không quốc gia, là trụ cột của ngành hàng không, có đóng góp tốt cho ngân sách. Cho nên, việc hỗ trợ Vietnam Airlines là hết sức cần thiết.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hãng hàng không Quốc gia đại diện cho cả một đất nước, mang theo hình ảnh đất nước đó và đóng vai trò như một đại sứ. Tại Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hoá dân tộc với biểu tượng hoa sen, áo dài, ẩm thực vùng miền…

Vietnam Airlines cũng giữ vai trò kết nối các địa phương, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa để góp phần phát triển kinh tế vùng miền; đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thực tế, Vietnam Airlines đã được Quốc hội chấp thuận "cứu" với những yêu cầu mang tính thị trường và minh bạch.

Đối với các hãng hàng không còn lại, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn và trên quan điểm đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ các hãng bay này. Mức độ hỗ trợ đến đâu, hỗ trợ ra sao... cần được tính toán cẩn trọng.

Năm 2021, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đưa vào cân đối kế hoạch các giải pháp tiết kiệm khoảng 9.453 tỷ đồng. Trong đó giải pháp tự thân 6.066 tỉ đồng gồm: giảm chi phí và sửa chữa bảo dưỡng máy bay (gần 5.300 tỷ đồng), tổ chức lại lao động và tổ chức lại sản xuất như giảm 4 đầu mối ở cấp Tổng công ty và khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị, qua đó tiết giảm được trên 800 tỷ đồng.

Cứu cách nào?

Trong khi chờ Nhà nước triển khai các gói hỗ trợ, trao đổi với Báo Giao thông, các chuyên gia hàng không, kinh tế đều khẳng định trước hết, Vietnam Airlines phải tự cứu mình.

"Doanh nghiệp này cần triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể là chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch bệnh, tận dụng mọi cơ hội để vận chuyển hàng hóa, chở đồng bào hồi hương nhằm tăng doanh thu", chuyên gia cho hay.

Cùng đó, Vietnam Airlines cũng tổ chức lại sản xuất, tinh giảm bộ máy và bố trí lao động phù hợp với quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh và tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh tinh giảm bộ máy và cắt giảm lao động phù hợp với quy mô kinh doanh, hãng vẫn phải quan tâm đến việc đào tạo, cơ chế chính sách để duy trì lực lượng lao động kỹ năng để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi. Một trong những chính sách khác cần được triển khai là cắt giảm chi phí và triệt để tiết kiệm.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vietnam Airlines nói và cho biết: "Năm 2020, với việc triển khai các giải pháp chủ động từ Vietnam Airlines và hỗ trợ của Chính phủ, hãng đã tiết giảm chi phí được 8.618 tỷ đồng. Trong số này, có tới hơn 5.100 tỷ đồng tiết giảm được nhờ các giải pháp tự thân của Vietnam Airlines gồm giảm chi phí thuê máy bay và bảo dưỡng máy bay (trên 1.480 tỷ đồng); tổ chức lại lao động, điều chỉnh chích sách tiền, giảm trên 1.770 tỉ đồng, giải pháp điều chỉnh định mức chi phí và tiết giảm chi phí quản lý trên 1.860 tỉ đồng".

Triển khai chính sách hỗ trợ chung cho ngành hàng không theo Nghị quyết 84 của Chính phủ, hãng đã giảm được 343 tỷ đồng, trong đó gồm giảm chi phí hạ cất cánh và giảm điều hành bay nội địa 167 tỷ đồng; giảm thuế môi trường 155 tỷ đồng, miễn phí bảo lãnh phát sinh năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh 21 tỷ đồng. Ngoài ra, hãng cũng giảm được hơn 3.145 tỷ đồng do thay đổi chính sách khấu hao.

Điều đó cho thấy, không phải Vietnam Airlines đang “ngồi yên” để chờ được cứu. Xong những nỗ lực tự thân của hãng chắc chắn khó giúp hãng hàng không quốc gia có thể trụ vững trong giai đoạn lịch sử này

Trong năm 2020, dù khó khăn vì đại dịch, Vietnam Airlines vẫn nắm giữ vai trò chủ lực trong vận tải hàng hóa nội địa, quốc tế bằng đường không. Hãng chuyên chở tới hơn 50% khối lượng hàng hóa đi nội địa, quốc tế được vận tải bởi các hãng bay Việt Nam. Trong giai đoạn hàng không phát triển nóng những năm 2017-2019, Vietnam Airlines và các hãng thành viên (Pacific Airlines, VASCO) đã vận chuyển hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam, chiếm 63% tổng lượng khách quốc tế do các hãng bay nội vận chuyển. Những con số cho thấy sự đóng góp “khổng lồ” của Hãng hàng không Quốc gia vào nhiệm vụ kết nối kinh tế, kết nối Việt Nam với thế giới và đảm bảo giao thương, sản xuất.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.