Đường bộ

Vinaconex và hành trình 34 năm tạo dựng vị thế

24/09/2022, 09:00

34 năm vượt qua nhiều thách thức, Vinaconex ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín với các đối tác trong nước và nước ngoài...

Từ doanh nghiệp chuyên về quản lý lao động xây dựng Việt Nam tại nước ngoài, Vinaconex từng bước vươn lên thành đơn vị hàng đầu ngành xây dựng trong nước, hướng tới trở thành tập đoàn hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Bứt tốc trong giai đoạn đổi mới

Ngày 27/9/1988, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Nước ngoài (tiền thân của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex ngày nay) được thành lập, trực thuộc Bộ Xây dựng.

Mục tiêu ban đầu là đáp ứng yêu cầu quản lý lực lượng lao động của ngành xây dựng Việt Nam làm việc tại nước ngoài.

img

Công trình cầu vượt hồ Yên Mỹ có chiều dài gần 1km trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đang được Vinaconex thi công dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023

Trải qua những năm tháng khó khăn của giai đoạn đổi mới, đến ngày 1/12/2006, Vinaconex hoàn thành chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, xây lắp và đầu tư bất động sản là hai lĩnh vực nòng cốt.

Tháng 9/2008, cổ phiếu của Vinaconex (mã chứng khoán VCG) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau khi các cổ đông đại diện vốn nhà nước hoàn tất việc thoát vốn vào năm 2018, Vinaconex trở thành doanh nghiệp còn vốn Nhà nước, chuyển niêm yết cổ phiếu VCG từ HNX sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

“Người Vinaconex không ngủ quên trên chiến thắng, vì ngày mai cuộc chinh phục mới sẽ lại bắt đầu. Người ta chỉ đến đích khi có khát khao. Ở Vinaconex đơn giản là nơi khát vọng vươn cao, nơi khát vọng không bao giờ ngừng lại”, lãnh đạo Vinaconex chia sẻ.

“Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của đơn vị, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm nguồn vốn chiến lược để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án, mang lại lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư, người lao động và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, lãnh đạo Vinaconex nói và cho biết, trong giai đoạn này, ba trụ cột chính được doanh nghiệp xác định là: xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Từ vị thế doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng, Vinaconex tiếp tục đặt mục tiêu vươn tầm top 3 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam, từng bước trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực trong những lĩnh vực kinh doanh chính.

“Gần 4 năm kể từ thời điểm chuyển đổi hình thức sở hữu cũng là chặng đường phát triển vượt bậc của Tổng công ty Vinaconex.

Với chiến lược phát triển đúng đắn, Vinaconex luôn khẳng định vị trí là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững qua các năm, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động”, lãnh đạo Vinaconex chia sẻ.

img

Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài có sự tham gia của Vinaconex, góp phần thay đổi diện mạo KT-XH tại địa phương.

Dấu ấn tại hàng loạt dự án quy mô “khủng”

Trưởng thành từ gian khó, sự vươn lên mạnh mẽ cả Vinaconex một lần nữa được khẳng định trong khoảng thời gian nền kinh tế toàn cầu gặp thách thức lớn bởi dịch bệnh.

Kết thúc năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song, Vinaconex vẫn lội ngược dòng” với lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng.

Bước sang 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt hơn 719 tỷ đồng, hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2022.

Tỷ lệ chi trả cổ tức cũng được duy trì ổn định, tăng trưởng hàng năm. Riêng trong năm 2021, Vinaconex chi trả cổ tức với tỷ lệ 28% (bao gồm 18% tiền mặt và 10% cổ phiếu). Đây là mức cổ tức cao nhất của Vinaconex kể từ khi niêm yết đến nay.

Trên lĩnh vực xây dựng, thương hiệu Vinaconex ngày càng được khẳng định khi gắn liền với những dự án hạ tầng trọng điểm quy mô hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một số dự án điển hình như: dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án xây dựng trụ sở Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; Cung thiếu nhi Hà Nội; Bệnh viện K Trung ương cơ sở 1,2; Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng,…

img

Cát Bà - Amatina do Vinaconex đầu tư được kỳ vọng là một trong những khu đô thị nghỉ dưỡng đẳng cấp, hiện đại hàng đầu Việt Nam, mở đầu cho chuỗi bất động sản nghỉ dưỡng mang thương hiệu Vinaconex.

Với quyết tâm chinh phục những dự án quy mô “khủng”, khối lượng thi công khổng lồ, đòi hỏi yêu cầu chất lượng thi công cao, Vinaconex luôn chủ động tăng cường thiết bị máy móc, cải tiến kỹ thuật công nghệ đưa dự án về đích theo yêu cầu. Trong đó, không ít dự án hoàn thành vượt tiến độ được giao.

Thương hiệu Vinaconex tiếp tục chinh phục các chủ đầu tư nước ngoài thông qua các công trình lớn như: Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (Đà Nẵng) của chủ đầu tư Nhật Bản - Tập đoàn Mikazuki; Dự án lọc hóa dầu Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Cheng Long (Bình Dương); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Đầu tư xây dựng khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên...

Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, Vinaconex sở hữu quỹ đất lên đến hơn 2.000 ha và đang tiếp tục mở rộng. Tại những vị trí này, doanh nghiệp định hướng kiến tạo nên các dự án mang tầm vóc thế giới nhưng vẫn đậm dấu ấn tinh hoa văn hoá Việt Nam.

Nổi bật là các dự án: khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cát Bà - Amatina có tổng diện tích hơn 172 ha; Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond 93 Láng Hạ (Hà Nội); Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình, Móng Cái - Quảng Ninh; Khu đô thị Thiên Ân; Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ; khu nghỉ dưỡng Tam Kỳ (Quảng Nam); Khu du lịch Tuy Hòa (Phú Yên)…

Ở lĩnh vực đầu tư và xây dựng bất động sản công nghiệp, uy tín, dấu ấn của Vinaconex cũng được minh chứng qua các dự án: Nhà máy Thủy điện Đakba (Quảng Ngãi); Khu công nghiệp công nghệ cao 2 - khu công nghệ cao Hòa Lạc; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh - Quảng Ninh…

Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, Vinaconex nắm giữ nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận ổn định như năng lượng, nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động…

img

Dự án thủy điện Đăk Ba do Vinaconex là chủ đầu tư và là nhà thầu thi công phấn đấu hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2022.

“Cú huých” trong mở rộng hợp tác quốc tế

Không chỉ tạo lập vị trí vững chắc tại thị trường trong nước, Vinconex còn không ngừng gia tăng năng lực cạnh tranh để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh quốc tế.

Hiện, đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác với nhiều công ty, tập đoàn lớn tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong nhiều lĩnh vực.

Riêng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp có những hợp tác ngày càng chặt chẽ với nhiều đối tác đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Thương hiệu và năng lực thi công của Vinaconex được nhiều chủ đầu tư nước ngoài đánh giá cao qua các dự án đã triển khai.

“Trước khi hợp tác với Vinaconex, việc giao dự án cho tổng thầu Việt Nam là điều chưa từng có với chúng tôi. Vinaconex hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu của chúng tôi đề ra. Doanh nghiệp đã hoàn thành một dự án chất lượng với giá thành rất hợp lý”, ông Odaka Yoshimune - Chủ tịch Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam bày tỏ.

img

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN sạch tỉnh Hưng Yên quy mô 143ha được Chủ đầu tư tin tưởng giao cho nhà thầu Vinaconex và liên danh.

Mới đây, đại diện Vinaconex đã có chuyến công tác tới Hàn Quốc để thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với những công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản tại xứ kim chi như: Hyundai Engineering (HEC), Doosan Enerbility…

Đây là cú huých để doanh nghiệp mở rộng nền tảng kinh doanh quốc tế, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.