Giao thông

Vinalines làm gì sau tiếp nhận cảng Quy Nhơn?

05/07/2019, 06:38

Vinalines sẽ xem xét việc đầu tư thêm vốn vào cảng Quy Nhơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả khai thác...

img
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vinalines kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn

Vinalines vừa tiếp nhận lại cảng Quy Nhơn từ Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành, đồng thời tổ chức đại hội cổ đông bầu HĐTV và chủ tịch mới. Báo Giao thông trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vinalines kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn về những bước đi chiến lược Vinalines thực hiện tại cảng Quy Nhơn trong thời gian tới.

Còn nhiều “nút thắt”

Ông có thể cho biết, quá trình bàn giao và tiếp nhận cảng Quy Nhơn tới thời điểm này được Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) thực hiện ra sao?

Thực hiện Kết luận 1566 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Vinalines đã tích cực làm việc với nhà đầu tư Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành nhằm thống nhất các nội dung liên quan đến công tác chuyển giao vốn điều lệ cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước. Ngày 29/5/2019, Vinalines đã trở thành cổ đông lớn sở hữu 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn và chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành tại đại hội đồng cổ đông cảng Quy Nhơn ngày 29/6.

Ngay sau đó, Vinalines đã kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo chủ chốt của cảng Quy Nhơn, thay đổi toàn bộ các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và tổng giám đốc điều hành cảng.

Bộ máy hoạt động hiện tại ở cảng Quy Nhơn vẫn giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, thời gian tới, Vinalines sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá lại, lấy cơ sở xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ phù hợp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức sử dụng lực lượng lao động hợp lý.

Trước mắt, trong quý IV/2019, Vinalines sẽ xem xét nghiên cứu xây dựng/cập nhật các quy trình nội bộ, xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm kho dữ liệu và báo cáo thống kê tại cảng để hoạt động cảng Quy Nhơn phù hợp với chuẩn toàn hệ thống của Tổng công ty Hàng hải VN.

Vinalines đã thương lượng và chốt được con số chi phí trả cho nhà đầu tư là Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành bỏ ra thêm để đầu tư về cơ sở vật chất của cảng Quy Nhơn chưa, thưa ông?

Hiện hai bên đã hoàn tất công tác chuyển giao quyền quản lý và điều hành cảng Quy Nhơn. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành đang thực hiện tính toán giá trị lợi ích của nhà đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ chuyển cho Vinalines xem xét rà soát có ý kiến thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Cảng Quy Nhơn được thành lập từ đầu năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Cuối năm 2009, Bộ GTVT chuyển cảng này từ Cục Đường biển về Vinalines. Doanh nghiệp này sau đó chuyển cảng Quy Nhơn thành Công ty TNHH MTV hạch toán độc lập, là công ty con của Vinalines.
Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty CP Cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ hơn 75%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%. Tuy nhiên, sau đó số cổ phần Vinalines nắm giữ đã được chuyển giao cho Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành.
Tại kết luận thanh tra ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật nên đã kiến nghị giao Bộ GTVT chủ trì, thu hồi hơn 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.
Ngày 29/5, Vinalines đã chính thức tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (mã QNP, tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành.


Ông đánh giá thế nào về những khó khăn cảng Quy Nhơn đang phải đối mặt?

Xét về mặt thị trường, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của cảng Quy Nhơn ở thời điểm hiện tại là các KCN trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận phát triển chậm, có quy mô nhỏ. Việc thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp để tạo vùng hậu phương cho sự phát triển kinh tế cảng biển chưa tốt, chưa tận dụng được năng lực hiện có của cảng, theo quy hoạch đến năm 2020 là 13,5 triệu tấn.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu qua cảng phần lớn thuộc dạng xuất thô chưa qua tinh chế. Tỷ trọng của các loại hàng hóa này chiếm hơn 40% sản lượng hàng hóa thông qua cảng và phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc, nên sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn rất dễ biến động mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề mất cân đối nguồn hàng xuất khẩu và nhập khẩu bằng container (không đủ container rỗng để xuất hàng) khiến DN phải tốn thêm chi phí so với địa phương khác (để chuyển rỗng từ nơi khác về). Theo năng lực hiện tại, khả năng đáp ứng của cảng Quy Nhơn trung bình 250.000 TEUs/năm nhưng lượng hàng hiện tại chỉ dao động từ 130 - 150.000 TEUs/năm.

Ngoài ra, hiện nay xu hướng chủ hàng sử dụng các dòng tàu lớn loại Panamax, chiều dài tàu trên 200m để tiết giảm chi phí vận tải trong khi cảng Quy Nhơn chỉ cho phép tiếp nhận tàu dưới 200m. Đây cũng là thách thức trong chiến lược hút hàng của cảng.

Về mặt giao thông kết nối, dự án giao thông QL19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến nút giao cầu Bà Di và đường trục KKT nối dài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án còn chậm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình vận chuyển hàng hóa của các phương tiện giao thông từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến cảng Quy Nhơn và ngược lại.

Vị trí địa lý cũng là thách thức lớn đối với cảng Quy Nhơn khi cảng nằm ở cửa sông Hà Thanh. Những năm gần đây, phía thượng nguồn thường đổ về lượng phù sa lớn làm ảnh hưởng đến luồng hàng hải, độ sâu cầu bến trước bến cảng, buộc cảng phải thường xuyên nạo vét để đảm bảo độ sâu chuẩn tắc thiết kế. Trước kia, khu vực nước trước bến trung bình 5 năm mới nạo vét nhưng hiện tại chỉ từ 1 - 2 năm đã phải tiến hành nạo vét.

Tiếp tục nghiên cứu “rót vốn” để nhân rộng quy mô, nâng cao vị thế

img
Vị trí cảng Quy Nhơn thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Ảnh: Nguyên Dũng

Vậy, tiềm năng lớn nhất cảng Quy Nhơn đang sở hữu là gì, thưa ông?

Cảng Quy Nhơn thuộc nhóm cảng biển Nam Trung bộ, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), là cửa ngõ ra biển gần nhất thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Cảng cũng nằm tiệm cận với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, từ cảng Quy Nhơn có thể đi thẳng đến các cảng biển lớn trong khu vực châu Á.

Hơn nữa, cảng Quy Nhơn nằm trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm nên nếu được quan tâm đầu tư hợp lý thì cảng hoàn toàn có thể tiếp nhận được các dòng tàu Panamax để tăng khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho khách hàng.

Hiện, tỉnh Bình Định đang tập trung thu hút các nhà đầu tư vào các KCN: Becamex, Nhơn Hội, Nhơn Bình… nên trong tương lai cảng Quy Nhơn sẽ là nơi đáp ứng mọi nhu cầu xuất nhập hàng hóa tại các KCN này.

Sau khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt về cả hàng hóa và doanh thu. Vinalines sẽ có những biện pháp gì để duy trì sự tăng trưởng này? Những năm tiếp theo, Vinalines có “rót vốn” đầu tư vào Cảng Quy Nhơn?

Sau cổ phần hóa, doanh thu bình quân của cảng Quy Nhơn đạt 552,31 tỷ đồng/năm, tăng gần 47,47% so với giai đoạn trước cổ phần hóa (chỉ đạt hơn 374,5 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận trước thuế tăng gần 330% từ 20,71 tỷ đồng/năm lên hơn 89 tỷ đồng/năm.

Để duy trì sự tăng trưởng này, Vinalines sẽ chỉ đạo thông qua những người đại diện phần vốn tại cảng tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới làm điểm gom hàng hóa từ các địa phương; Đẩy mạnh hợp tác liên doanh với đối tác để khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng, tăng trưởng dịch vụ cung ứng xăng dầu; Đồng thời, phát triển hệ thống CNTT để rút ngắn thời gian khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, tập trung nguồn lực để hoàn thiện năng lực xếp dỡ cho cảng.

Mục tiêu sản lượng hàng hóa, doanh thu năm nay đã được Vinalines đặt ra và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 với lượng hàng thông qua cảng là 8,9 triệu tấn, trong đó hàng container là 145.000 TEUs. Tổng doanh thu mục tiêu là 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng.

Trên cơ sở quy mô mở rộng cảng được các cấp phê duyệt, Vinalines sẽ xem xét việc đầu tư thêm vốn vào cảng Quy Nhơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.