Xã hội

Vĩnh Phúc: Hai huyện đùn đẩy, “đất tặc” lại lộng hành

Sau phản ánh của Báo Giao thông, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt song chính quyền các huyện Sông Lô và Lập Thạch vẫn đùn đẩy trách nhiệm.

Băm nát đồi

Sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh về tình trạng tái diễn nạn đào trộm đất tại khu vực đồi Hoa Nam, giáp ranh giữa hai huyện Sông Lô và Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Sông Lô cho biết, đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Theo UBND huyện Sông Lô, tại khu vực này đã có dấu hiệu của việc tháo dỡ hàng rào thép gai và biển báo cấm khai thác khoáng sản đã được chính quyền địa phương lập từ tháng 10/2022. Tại khu vực này vẫn còn máy múc, ô tô dừng đỗ, nhiều diện tích đất đã bị khai thác, vận chuyển.

img

UBND huyện Sông Lô đã chỉ đạo lập rào chắn, cắm biểm cấm khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực đồi Hoa Nam, thuộc xã Yên Thạch

Tuy nhiên, UBND huyện Sông Lô cho rằng, hầu hết diện tích đã bị khai thác ở đây đều nằm trên địa giới hành chính của thị trấn Lập Thạch và 1 phần nằm trên địa giới xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch.

Đồi Hoa Nam vốn là điểm mốc tự nhiên phân chia địa giới hành chính của 2 địa phương này với xã Yên Thạch, huyện Sông Lô tại điểm mốc đường phân thủy trên đỉnh đồi.

Tuy nhiên, hiện trạng cho thấy cả quả đồi rộng nhiều hecta này đã bị băm nát để khai thác, vận chuyển đất, điểm mốc phân chia địa giới hành chính cũng không còn, quả đồi đã biến mất.

Lãnh đạo UBND huyện Sông Lô khẳng định, đã chỉ đạo UBND xã Yên Thạch khôi phục lại hàng rào dây thép gai, cắm biển cấm khai thác đất trái phép tại vị trí địa giới hành chính do huyện Sông Lô quản lý. Chỉ đạo lắp camera, cử người giám sát 24/24h.

Hiện nay, toàn bộ khu vực đang bị khai thác nham nhở, chưa được rào chắn tại hiện trường là địa giới do UBND huyện Lập Thạch quản lý. Huyện Sông Lô đã xây dựng kế hoạch, ngay trong tháng 2/2023 sẽ cùng UBND huyện Lập Thạch kiểm tra, khôi phục lại điểm mốc, xác định rõ địa giới hành chính để quản lý.

Đùn đẩy, né trách nhiệm

Trước kết quả kiểm tra sơ bộ của UBND huyện Sông Lô, PV Báo Giao thông đã tìm đến UBND huyện Lập Thạch để làm rõ, ghi nhận thông tin liên quan.

Sau khi kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch khẳng định: Theo báo cáo của ông Nguyễn Quang Mẫn, Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch, toàn bộ diện tích khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH Thành Đoàn tại đồi Hoa Nam là địa giới hành chính của xã Yên Thạch, huyện Sông Lô.

“Ngày 17/2, huyện đã nhận được văn bản chỉ đạo của tỉnh về phản ánh của Báo Giao thông. Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng huyện Sông Lô phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch thông tin.

Cần nói thêm, cuối năm 2022, sau loạt bài phản ánh của Báo Giao thông, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tục có văn bản chỉ đạo, giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, ngăn chặn kịp thời.

Tỉnh cũng giao huyện Lập Thạch và Sông Lô cung cấp thông tin việc chỉ đạo, kết quả xử lý, giải quyết vụ việc và phản hồi với Báo Giao thông; báo cáo kết quả trước ngày 8/11/2022.

Tuy nhiên, sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đều cho biết, chưa nhận được báo cáo liên quan. PV nhiều lần liên hệ với ông Phan Tuệ Minh, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch nhưng đều nhận được thông báo “đang bận”.

Xử nghiêm doanh nghiệp mua đất đào trộm

Ngày 14/2, bám theo các xe đầu kéo từ khu vực khai thác trái phép di chuyển qua nhiều tuyến đường tỉnh và QL2C, PV ghi nhận các phương tiện này đi thẳng đến bãi chứa của Công ty CP Prime Vĩnh Phúc (trực thuộc Công ty CP Prime Group). Theo phiếu cân, nhận hàng từ Công ty, những phương tiện này đều chở quá tải trọng ở mức gần 100%.

Trao đổi với PV qua điện thoại, người phụ trách bộ phận mua hàng của Công ty CP Prime Group cho rằng, những phương tiện trên là hàng mẫu, được vận chuyển đến Công ty để sản xuất thử nghiệm nên Công ty này chưa yêu cầu chứng minh nguồn gốc, hóa đơn chứng từ liên quan.

Chỉ đến khi bộ phận kỹ thuật phân tích, đánh giá đạt chất lượng để sản xuất gạch với số lượng lớn thì Công ty mới yêu cầu nhà cung cấp xuất trình hồ sơ khai thác, hóa đơn chứng từ kèm theo để ký hợp đồng cung ứng.

Về việc các xe chở hàng quá tải, người này cho biết, đã nhiều lần nhắc nhở, gửi email thông báo cho nhà cung cấp về việc chấp hành tải trọng xe. Việc để xảy ra vi phạm là trách nhiệm của chủ xe và nhà cung cấp, Công ty “chỉ nhắc nhở, không quản lý việc này”.

Về vấn đề trên, ông Lê Văn Phúc, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Hàng hóa cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ liên quan. Điều này thể hiện những đơn vị này đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu liên quan. Cục sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý doanh nghiệp kiểm tra, xử lý nghiêm việc Công ty CP Prime Group mua khoáng sản khai thác trái phép nêu trên”.

Trong các tháng 10 và 11/2022, Báo Giao thông liên tục có bài phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép tại khu vực giáp ranh giữa huyện Lập Thạch và Sông Lô, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Thậm chí, sau phản ánh, PV còn bị đối tượng lạ gọi điện đe dọa.

Sau vụ việc, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan có liên quan đã liên tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Giữa lúc lúc cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc thì tình trạng khai thác đất trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.