Xã hội

Vĩnh Phúc: Vụ ồ ạt làm đường, phân lô bán nền có nhiều sai phạm, khuất tất

06/12/2021, 17:50

Việc làm đường trái phép, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc có nhiều sai phạm và khuất tất.

Nhiều sai phạm, khuất tất

Trong buổi làm việc với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tam Dương cho biết: "Qua rà soát, tất cả các trường hợp đang gộp thửa, làm đường, phân lô, bán nền trên địa bàn trong thời gian qua đều đang vi phạm.

Cụ thể, các cá nhân liên quan đã tự ý làm đường giao thông trên diện tích đất nông nghiệp. Mặc dù, nhiều người lý giải việc làm đường này là tự nguyện hiến đất, vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn".

img

Cận cảnh các thửa đất sau khi chia tách tại xã Hướng Đạo, Tam Dương. Ảnh ĐB.

Tuy vậy, đến nay, diện tích đất này vẫn đứng tên cá nhân, thể hiện trên hồ sơ là thửa đất nông nghiệp do các cá nhân quản lý, chưa có trường hợp nào làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất công cộng do UBND cấp xã quản lý theo quy định.

Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tam Dương cũng cho biết, mặc dù hậu quả của việc ồ ạt làm đường, phân lô, bán nền trên do địa phương và người dân hứng chịu. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định cho tách thửa là do Văn phòng đăng ký đất đai, trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện.

Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Tam Dương đều tự trích lục bản đồ để thực hiện việc tách thửa, phân lô mà không phụ thuộc vào bất kỳ quy hoạch, kế hoạch hay xác nhận nào của chính quyền địa phương. Do đó, UBND huyện Tam Dương cũng chỉ biết đề nghị đơn vị này phối hợp, siết chặt quy trình tách thửa để giảm thiệt hại, tránh để lại hậu quả đáng tiếc cho người dân.

img

Thửa đất tại thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương được làm đường trái phép, chia tách thành 82 lô đất nhỏ. Ảnh ĐB.

Tuy vậy, trao đổi với PV, một lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Tam Dương khẳng định: Theo quy định, các hồ sơ đề nghị tách thửa trên phải được cán bộ địa chính các xã xác nhận đúng nguồn gốc, đúng nhu cầu tặng, cho chính đáng mới đủ điều kiện thực hiện.

Tuy vậy, cán bộ địa chính xã Kim Long, huyện Tam Dương khẳng định: “Chúng tôi không được ký bất kỳ giấy tờ, thủ tục nào liên quan đến việc chia tách các thửa đất trên địa bàn. Cách đây vài tháng, lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Tam Dương có đến nhờ tôi ký xác nhận giúp để hoàn thiện hồ sơ cho các thửa đất đã tách nhưng tôi đã kiên quyết từ chối vì quan điểm của tôi và địa phương là không cho phép tách thửa, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp. Tuy vậy, không hiểu sao sau đó nhiều thửa đất vẫn được tách sổ, hoàn thành sang tên đổi chủ”.

Lúng túng trong giải quyết

Thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Tam Dương mới đây cho thấy, từ năm 2020 đến nay, các giao dịch về đất đai trên địa bàn khá sôi động. Cụ thể, trong năm 2020 đơn vị này đã cấp 5.126 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc chia tách thửa từ một thửa đất thành nhiều mảnh diễn ra theo chiều hướng gia tăng chóng mặt. Tính từ 1/1/2020 đến 30/4/2021 riêng huyện Tam Dương đã thực hiện chia tách gần 1.000 thửa đất thành gần 3.400 thửa đất với tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2.

img

Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo tiếp tục được san gạt, chia tách và rao bán với giá cao.

Đáng chú ý có việc một hộ dân có đất tách từ 1 thửa ban đầu đã được tách thành 82 thửa đất mới.

Thống kê cho thấy chỉ trong hơn 1 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có 3.882 thửa đất được làm thủ tục tách ra thành hàng chục nghìn thửa đất nhỏ lẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Dù bị Bộ Tư pháp tuýt còi khi ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng việc chia, tách các thửa đất trên địa bàn. Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành văn bản thu hồi, hủy bỏ quy định tạm dừng chia, tách thửa theo yêu cầu nhưng Sở vẫn đang chỉ đạo không cho phép nhập thửa rồi chia thành các lô đất nhỏ để đầu cơ, mua đi bán lại.

img

Tình trạng san gạt, làm đường, phân lô cũng đang diễn ra tại xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc.

“Anh đang bận họp, em đến làm việc cụ thể với Văn phòng Sở và Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc để có thông tin chi tiết. Anh sẽ trao đổi trước để họ bố trí lịch làm việc”, ông Nguyễn Kim Tuấn nói.

Trước đề nghị trên của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, PV đã nhiều lần liên hệ với các đơn vị liên quan nhưng đều bị từ chối với lý do bận họp, chưa nhận được chỉ đạo, sẽ trả lời bằng văn bản sau...

Thực tế cho thấy, dù các cấp, ngành ở Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc “băm” nhỏ đất nông nghiệp để đầu cơ, trục lợi. Tuy nhiên, việc rầm rộ san gạt, làm đường, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp vẫn đang diễn ra khá phổ biến nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang tỏ ra lúng túng trong giải quyết, ngăn chặn.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.