Y tế

Virus SARS-CoV-2 tấn công cơ quan nội tạng mạnh nhất vào thời điểm nào?

17/08/2020, 11:30

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, khi mắc Covid-19, thời điểm virus tấn công cơ thể mạnh nhất là các ngày thứ 7, 8, thậm chí ngày thứ 15 nhiễm bệnh.

img
Các y bác sĩ đang tiến hành đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở Đà Nẵng

Theo chia sẻ của BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Covid-19 tấn công vào cơ thể con người thông qua thụ thể trên tế bào có tên gọi là ACE2. Do đó, tất cả các tế bào nào mang điểm tiếp nhận thụ thể ACE2 đều có nguy cơ bị virus tấn công. Các tế bào mang thụ thể ACE2 có nhiều ở trong đường hô hấp, trong thận, trong não, tim, gan. Đây chính là điểm đích để virus tấn công.

Một trong những vị trí mà tế bào mang thụ thể ACE2 nhiều là các vi mạch, các mạch máu, các tế bào thành của mạch máu. Nếu virus tấn công vào các vị trí này, sẽ dẫn đến các phản ứng, và nguy hiểm nhất là đông máu trong các vi mạch đó.

Tính đến hôm nay 17/8, Việt Nam ghi nhận tổng số 964 ca nhiễm Covid-19, trong đó, Đà Nẵng được coi là vùng dịch với 349 ca mắc Covid-19; Hiện đang điều trị cho 278 bệnh nhân, trong đó còn nhiều ca bệnh nặng; Và ghi nhận 20 ca tử vong vì Covid-19, chủ yếu ở người bệnh vốn có bệnh lý nền nặng. Hiện BV TƯ Huế là nơi tiếp nhận 12 ca bệnh nhân Covid-19 rất nặng của Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển sang.

Nếu như đông máu trong vi mạch phổi sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, nếu như đông máu ở các cơ quan phủ tạng khác thì các tạng này sẽ bị mất tưới máu dẫn tới mất chức năng do không được nuôi dưỡng gây suy đa phủ tạng.

"Bản thân virus SARS-CoV-2 tấn công gây các tổn thương, gây suy đa phủ tạng thì người có hay không có bệnh nền cũng cần được theo dõi điều trị sát sao. Đặc biệt với người có bệnh nền, ví dụ ở người bị suy thận mạn, khi bị virus tấn công sẽ gây ra tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn rất nhiều.

Bản thân virus SARS-CoV-2 đã gây ra một tỷ lệ tử vong nhất định, bên cạnh đó, các bệnh lý nền cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong. Chính hai yếu tố này phối hợp với nhau làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền mắc Covid-19.

Trong thời gian qua gặp nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng có bệnh nền, dù đã được tập trung nỗ lực điều trị nhưng không qua khỏi. Đó là nỗi đau với nhân dân và với ngành y tế", BS. Cấp chia sẻ.

Còn theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, "Với bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là trong những ngày thứ 7, 8 và 15, là thời điểm mà virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh nhất vào các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Gần 50% tử vong do Covid-19 đều liên quan đến chảy máu trong phế nang, chảy máu ở đường tiêu hóa, chảy máu ở đường tiết niệu".

Theo nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, virus gây chùm ca bệnh Covid19 tại Hải Dương trùng với chủng virus SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng, thuộc nhóm biến thể D614G (chủng G).

Đây là chủng có khả năng cảm nhiễm cao, dẫn tới hệ số lây nhiễm cao, tại Đà Nẵng là 5-6 (1 người mắc lây 5-6 người), trong khi giai đoạn trước, hệ số này chỉ 1,8-2,2, nhưng độc lực không thay đổi.

Đặc điểm nổi bật của virus SARS-CoV-2 là kích cỡ to, vừa lan truyền vừa biến đổi gen, trên thế giới hiện đã phân lập được ít nhất 99 chủng. Tại Việt Nam, đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.