Xã hội

VKS bác quan điểm bào chữa vụ PVN góp vốn Oceanbank

24/03/2018, 11:46

Dù các bị cáo và luật sư nêu nhiều quan điểm bào chữa nhưng đại diện VKS đã bác bỏ hoàn toàn.

vks-doi-dap

Đại diện VKS trong phần đối đáp với các luật sư và bị cáo vụ PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank

Sáng nay, đại diện VKS đối đáp với phần bào chữa của các bị cáo và các luật sư trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank).

VKS bác bỏ quan điểm bào chữa của các bị cáo, luật sư

Trước đó, ông Đinh La Thăng cùng luật sư của ông Vũ Khánh Trường cho rằng công văn của Bộ Tài chính chỉ gửi PVN để biết, không phải yêu cầu thực hiện và những nội dung của công văn này chỉ mang tính “khuyến nghị”, nhưng theo VKS, điều này không đúng vì nội dung công văn đề nghị PVN phải báo cáo rõ và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư này.

Các luật sư thừa nhận lần góp vốn thứ ba không phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng nhưng được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và không có sự cảnh báo nào từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên Nghị quyết lần 3 không vi phạm Luật tổ chức tín dụng ra đời. Đại diện VKS cho rằng, các bị cáo nói không có sự cảnh báo nào của cơ quan có thẩm quyền nên mặc nhiên thực hiện. Đó là sự nhận thức không phù hợp của các bị cáo, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật,  đại diện VKS đối đáp.

Các bị cáo cho rằng việc đầu tư của PVN có hiệu quả, việc mất vốn do NHNN mua bắt buộc với giá 0 đồng, nhưng theo VKS, hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái. Trong trường hợp này, các bị cáo là những người có trách nhiệm quản lý phần vốn của tập đoàn, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của tập đoàn nhưng các bị cáo lại có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, để xảy ra hậu quả thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.

Sau khi góp vốn, HĐQT không có cơ chế kiểm tra giám sát riêng cho người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank để đánh giá thực trạng hoạt động tài chính của OceanBank. Các bị cáo chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm mà các bị cáo khai là đã được kiểm toán hàng năm. Tuy nhiên, chính kết luận thanh tra đều nói báo cáo tài chính này phản ánh không đúng bản chất hoạt động kinh doanh của OceanBank.

PVN đã không phát hiện được những hành vi sai phạm, những tồn tại, những quản trị yếu kém, vi phạm pháp luật của ban điều hành cũng như HĐQT của OceanBank. Chính hoạt động yếu kém đó đã khiến OceanBank âm vốn chủ sở hữu và Nhà nước đã phải mua lại bắt buộc Ngân hàng này.

Các bị cáo và luật sư cho rằng không có hành vi phạm tội cố ý làm trái và không cố ý thực hiện hành vi, VKS phân tích về ý thức chủ quan, đó chỉ là nhận thức của các bị cáo. Một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm thành viên HĐTV là phải có sự hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật. Là công chức, đặc biệt là công chức giữ chức vụ quản lý thì phải biết và buộc phải biết quy định của pháp luật...

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng không có quy định nào yêu cầu trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi ký nghị quyết, theo VKS, các bị cáo đều là cán bộ cao cấp, từng giữ nhiều cương vị quản lý khác nhau nên biết rõ những gì cần xin chủ trương thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương, sau đó mới triển khai các thủ tục tiếp theo trên cơ sở chủ trương đó. Bị cáo Thăng đã “làm trước, báo cáo sau”, việc bị cáo Thăng và các luật sư cho rằng không có quy định nào buộc phải xin chủ trương rồi mới triển khai là sự biện minh, không có căn cứ pháp luật.

Việc mua NH với giá 0 đồng, VKS cho rằng quyết định mua bắt buộc đối với OceanBank với giá 0 đồng còn nguyên giá trị pháp luật. Rõ ràng xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh doanh của OceanBank, trước yêu cầu của an ninh tài chính và quyền lợi của người dân, NHNN đã phải mua lại OceanBank là đòi hỏi tất yếu. Việc có nhiều ý kiến cho rằng giá mua 0 đồng là không hợp lệ, việc định giá mua đã có định giá về giá trị vốn sở hữu tại thời điểm xác định âm vốn chủ sở hữu là 2,5 lần, NHNN yêu cầu cổ đông nộp tiền nhưng không nộp tiền và không có khả năng thực hiện. Như vậy, có đủ căn cứ xác định giá trị vốn sở hữu của OceanBank là không còn giá trị vì NHNN mua 0 đồng là có lợi cho các cổ đông.

Nhà nước gánh nợ cũng như việc phát sinh nhiều hậu quả khác. Theo văn bản trả lời của NHNN thì việc mua bắt buộc cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng là có cơ sở pháp lý. “Tại thời điểm này, không có căn cứ nào có thể bác việc mua 0 đồng của NHNN, vì vậy, ý kiến của các luật sư và bị cáo nêu ra là không có cơ sở” – VKS nêu quan điểm.

Không ai biết vẫn cố ý làm trái để “lấy đá ghè chân mình”

Sau khi nghe đối đáp của đại diện VKS, được HĐXX cho phép, ông Đinh La Thăng xin trình bày lại vì “không phải cho riêng bị cáo mà cho các nguyên lãnh đạo Tập đoàn PVN thời điểm năm 2006-2011”. Ông nói trước toà mong muốn sự thật được sáng tỏ, hoàn toàn khách quan chứ không thể chủ quan.

ong-dinh-la-thang

Ông Đinh La Thăng khẳng định mình và các bị cáo khác "không cố ý làm trái"

Về việc VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng cố che giấu hành vi phạm tội, nguyên Chủ tịch PVN giải thích, khi đó, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư có đề cập đến chủ trương góp vốn nên ông Thăng có đề nghị các thành viên HĐTV xác nhận lại chủ trương này là đúng, vì thời điểm khi đó, hậu quả của việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt là rất lớn khi đã đầu tư hàng trăm tỷ, cùng hàng trăm nhân sự. Vì vậy, chủ trương góp vốn vào Oceanbank khi đó là nhằm giải quyết hệ luỵ này, các thành viên HĐTV cũng xác nhận đây là chủ trương đúng, bị cáo Thăng khẳng định không bịa đặt về chủ trương này.

Về bản thoả thuận ký với cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm, ông Thăng nói ông ký theo đúng thẩm quyền, và thoả thuận này không nhất thiết tất cả thành viên HĐTV phải biết và ký. Sau khi ký, ông đã báo cáo nội dung biên bản thoả thuận tại cuộc họp của HĐQT để xin ý kiến.

“VKS có quyền đưa ra quan điểm của mình, nhưng bị cáo cũng phải đưa ra những căn cứ thực tế. Không thể cứ bị cáo không đồng ý với quan điểm của VKS thì lại bị coi là chối tội” – nguyên Chủ tịch PVN đối đáp VKS.

Về cáo buộc ông Thăng chỉ đạo đàm phán với các đối tác trong việc góp vốn dẫn đến các sự việc và hậu quả tiếp theo, bị cáo Thăng cho rằng nếu ông không chỉ đạo thì cũng phải có một người khác làm thì mới có thể đi đàm phán. ‘Việc xử lý các hệ luỵ của Ngân hàng Hồng Việt là có thật, hàng trăm tỷ bỏ ra rồi, hàng trăm con người ngồi đấy nên đàm phán không dễ dàng gì. Vì vậy, PVN rất mừng khi tìm được đối tác đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Tập đoàn, đây là cơ hội tốt để PVN giải quyết các hệ luỵ hiện có” - ông Thăng trình bày và cho rằng, quy kết trách nhiệm chỉ đạo cho bị cáo trong trong việc này là không phù hợp, vì nếu ông không chỉ đạo thì lại có nguy cơ mất hàng trăm tỷ cũng như đội ngũ nhân sự đã đầu tư, chuẩn bị cho việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt.

“Nếu bỏ đi mấy trăm tỷ thế thì bị cáo đã không có tội. Giờ đề xuất phương án giải quyết thì lại có tội”, ông Thăng nói.

Đề cập đến hoạt động của PVN, ông Thăng cho biết HĐQT làm việc theo nguyên tắc tập thể, tất cả đều nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của PVN, khi thực hiện thì không bao giờ cố tình làm sai. Vì thế, ông rất day dứt khi các thành viên HĐQT bị quy kết đồng phạm trong tội cố ý làm trái.

Về lộ trình thoái vốn, ông Thăng cho biết đã có chỉ đạo từ tháng 3/2011, và HĐQT đã ra Nghị quyết về chuyển nhượng phần vốn ở OceanBank để giảm tỷ lệ sở hữu xuống. Nghị quyết này đã được nộp cho cơ quan điều tra và VKS nhưng theo ông Thăng, cơ quan điều tra và VKS “chỉ lấy những cái không có lợi cho bị cáo để đưa vào cáo trạng”.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn phải xin phép Thủ tướng và phải có lộ trình. Đó là cả một lộ trình chứ không phải thích cho là cho, thích rút ra là rút ra. Việc này không thuộc thẩm quyền, không thuộc tầm kiểm soát của PVN.

“Đại diện VKS nêu quan điểm bị cáo và các bị cáo khác cố ý làm trái, bị cáo khẳng định không ai biết làm trái mà vẫn cố ý cả. Các bị cáo phải qua cả một quá trình phấn đấu mới được Đảng, Nhà nước giao cho giữ cương vị công tác, không ai cố tình làm trái để “lấy đá ghè chân mình cả”, ông Thăng nói.

Về hiệu quả đầu tư, ông Thăng nói đã mang lại lợi nhuận 244 tỷ, chưa kể toàn bộ giá trị tiền đã đầu tư vào Ngân hàng Hồng Việt mà OceanBank nhận lại. “Khi đầu tư không bao giờ và không thể nghĩ được khi thoái vốn sẽ không được đồng ý và đến năm 2015, OceanBank sẽ bị mua với giá 0 đồng” - nguyên Chủ tịch PVN nói.

Bên cạnh đó, người từng đứng đầu PVN đặt câu hỏi: “Tháng 8/2011, bị cáo đã chuyển công tác. Trong ba năm sau khi bị cáo chuyển công tác, ngân hàng vẫn có lãi. Tại sao bị cáo lại phải chịu trách nhiệm? Việc này giống như chuyện một ông lấy người vợ có người chồng trước đã chết. Ông này cứ đi ra mộ ông chồng kia khóc vật vã. Khi hỏi vì sao ông khóc thì bảo vì ông này chết nên tôi mới phải lấy vợ của ông”.

Ông Thăng mong HĐXX và VKS xem xét một cách khách quan, thực tế tại thời điểm lịch sử đó để có hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng. “Sau lưng bị cáo đã là một bản án 13 năm tù và phía trước đang chờ bản án này. Theo đề nghị của VKS thì mức án rất nặng. Bị cáo cố gắng để trình bày không chỉ riêng vì bị cáo mà còn vì bao anh em khác” - nguyên Chủ tịch PVN nói và bày tỏ mong muốn HĐXX “đối xử với bị cáo như số phận một con người”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.