An ninh hình sự

VKS giữ nguyên án tử, luật sư yêu cầu điều tra lại

24/04/2014, 07:12

Chiều qua (23/4), đại diện VKSND Tối cao đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Vợ chồng Dương Chí Dũng có ít phút tâm tình bên lề phiên xử (ảnh chụp màn hình)
Vợ chồng Dương Chí Dũng có ít phút tâm tình bên lề phiên xử (ảnh chụp màn hình)

Nộp tiền không được giảm án


Cho rằng việc gia đình hai bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả (8,2 tỷ đồng) chưa đủ cơ sở giảm án, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa đề nghị tăng tiền bồi thường dân sự đối với các bị cáo Dũng và Phúc. Đồng thời bác kiến nghị hủy kê biên tài sản đối với các bất động sản do vợ hai bị cáo Phúc, Dũng nêu trước HĐXX.


“Ông Dũng biết rõ Nhà máy tàu thủy phía Nam chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng vẫn cố tình thông qua dự án này, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Xét thấy, bản án sơ thẩm tuyên 18 năm tù về hành vi làm trái đối với bị cáo Dương Chí Dũng là có cơ sở, nhưng cần tăng mức bồi thường dân sự đối với bị cáo này” – kiểm sát viên kết luận. 


Đối với bị cáo Mai Văn Phúc đã ký tờ trình phê duyệt chủ trương đề nghị HĐQT mua ụ nổi 83M. Tuy nhiên, bị cáo Phúc có vị trí, vai trò thấp hơn so với bị cáo Dũng, do vậy, bản án sơ thẩm tuyên 18 năm tù bằng với bị cáo Dũng là hơi cao. Các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang đều không được phía VKSND Tối  cao chấp nhận kháng án. 


Ở tội danh Tham ô tài sản, Viện KSND Tối cao nhấn mạnh, Dương Chí Dũng là chủ mưu, chỉ đạo hành vi tham ô hơn 28 tỷ đồng, riêng bị cáo Dũng chiếm đoạt 10 tỷ đồng, do vậy, mức án tử hình ở phiên sơ thẩm là có cơ sở. Chưa kể, ở giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Dũng chưa thành khẩn, mặc dù gia đình đã bồi hoàn một phần hậu quả, nhưng không đủ cơ sở giảm án cho bị cáo. Đề nghị giữ nguyên án tử hình cũng được VKSND Tối cao áp dụng với bị cáo Mai Văn Phúc...


Cũng theo VKSND Tối cao, việc bị cáo Trần Hải Sơn khai đưa tiền cho Dũng, Phúc là phù hợp với các nhân chứng khác có trong vụ án. Bên cạnh đó, Trần Hữu Chiều cũng thừa nhận số tiền Sơn đưa cho trong khoản ăn chia 1,66 triệu USD. Cả hai bị cáo Dũng, Phúc đều thừa nhận, chỉ khi hai người này đồng ý, mới có thể thông qua thương vụ mua ụ nổi 83M. “Nếu không có khoản tiền 1,66 triệu USD, sẽ không có thương vụ mua bán ụ nổi 83M”, đại diện VKSND Tối cao nêu rõ. Qua đó, VKSND Tối cao khẳng định, ông Dũng và Phúc đã phạm tội Tham ô tài sản, theo Khoản 4, Điều 278 BLHS. 

Đồng loạt đề nghị hủy án

Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng việc đưa tiền cho Dũng, Phúc không cần nói vì “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”
Bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng việc đưa tiền cho Dũng, Phúc không cần nói vì “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”
Chiều qua, 23/4, sau phần đề nghị giữ nguyên mức án đối với các bị cáo, khán phòng phiên tòa phúc thẩm vốn đã nhỏ lại thêm “nóng” khi các luật sư tham gia tranh luận. Bàn nhỏ, 3 luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng phải ngồi ép vào nhau, luật sư Trần Đình Triển cầm tập văn bản vung lên vụt xuống; trong khi luật sư Ngô Ngọc Thủy rịn mồ hôi đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu. 


Theo luật sư Ngô Ngọc Thủy, không đủ căn cứ pháp lý để kết tội bị cáo Dương Chí Dũng phạm tội Tham ô tài sản. Tại Vinalines, bị cáo Dũng không quản lý trực tiếp bất cứ khoản tài sản nào ở đơn vị này. Nếu đã không quản lý tài sản thì làm sao phạm tội Tham ô tài sản được. “Nói đến đồng phạm, phải tuân thủ Điều 20 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong đó, thể hiện rõ sự phân công, phân nhiệm, thống nhất, bàn bạc về ý chí cũng như hành động. Nhưng ở đây, HĐXX không làm rõ được bất cứ chi tiết nào về sự đồng phạm giữa các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn”, luật sư Thủy phân tích.


Vẫn vị luật sư này lý luận, khi bị cáo Trần Hải Sơn khai đưa hàng tỷ đồng cho Dương Chí Dũng, cũng như Mai Văn Phúc, nhưng không nhớ rõ là đưa sáng, hay chiều, cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh, do đó, thể hiện sự mâu thuẫn, thiếu chính xác ở những lời khai này.


Luật sư Hoàng Huy Được, luật sư Trần Đình Triển cũng yêu cầu hủy một phần bản án sơ thẩm (ở tội danh Tham ô tài sản). Riêng luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc) cho rằng, không hề xuất hiện một chữ nào trong quan điểm luận tội của VKSND Tối cao, liên quan đến quá trình xét xử vụ án ở phiên phúc thẩm. “Như vậy, việc luận tội của VKSND Tối cao đã được chuẩn bị từ trước. Điều này cũng có nghĩa, toàn bộ tài liệu luật sư gửi tới phiên tòa đã không được xem xét”, luật sư Thiệp thắc mắc.

Tranh luận về tiền bôi trơn 1,66 triệu USD 


Tại tòa, ông Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) tiếp tục khẳng định mình oan ở tội danh Tham ô tài sản. “Trần Hải Sơn đã đổ oan cho tôi. Bằng chứng cho thấy, ông Sơn đã nhiều lần thay đổi lời khai, qua đó, thay đổi thời gian, địa điểm đưa tiền. Hơn nữa, có lời khai nói gặp con trai tôi lái xe về quê, trong khi, thời gian đó, con trai tôi đang du học bên Anh”, ông Phúc nói. 


“Xin hỏi anh, anh có bằng chứng gì trong việc Dương Chí Dũng chỉ đạo nhận số tiền này?” - luật sư Được yêu cầu bị cáo Trần Hải Sơn làm rõ số tiền 10 tỷ giao cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Cũng như hôm trước, bị cáo Trần Hải Sơn liên tục sử dụng điệp khúc: “Tôi đã có lời khai ở cơ quan điều tra cũng như phiên tòa sơ thẩm, và tôi giữ nguyên những lời khai đó”. Hoặc, khi bị luật sư “dồn”, bị cáo Sơn lặp đi lặp lại: “Tôi không nhớ”...


Trước đó, bị cáo Sơn cho rằng, khi đưa tiền cho Dũng và Phúc, bị cáo này không cần phải nói gì, bởi đã mặc nhiên được hiểu là tiền “bôi trơn” trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục hỏi bị cáo Trần Hải Sơn về khoản tiền 1,66 triệu USD: “Nếu đã mặc định đó là khoản tiền “đen” khi mua ụ nổi, vậy tại sao trong các lời khai tại cơ quan điều tra, ông lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói “Đây là tiền ụ nổi”? Bị cáo Sơn nói: “Tôi khai như nào, việc phán xét thuộc về cơ quan pháp luật”...

Hôm nay, 24/4, Tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Văn Huế


Luật sư nói gì khi VKS đề nghị tăng bồi thường?


Tối 23/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, việc VKSND Tối cao đề nghị cần tăng mức bồi thường đối với bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên xét xử phúc thẩm ngày hôm qua, trong khi không có kháng nghị là điều không bình thường. Theo ông Sang, VKSND Tối cao chỉ có quyền đề nghị tăng mức hình phạt (tiền bồi thường) đối với bị cáo Dương Chí Dũng với điều kiện tại phiên sơ thẩm, VKSND Tối cao không đồng tình với bản án của tòa và phải có kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo Dũng tại phiên sơ thẩm. “Tôi khẳng định không có quy định nào cho phép VKSND Tối cao không có kháng nghị tăng án ở phiên sơ thẩm mà có quyền đề nghị tăng án cho bị cáo ở phiên phúc thẩm”, ông Sang nói.

 

Tại phiên xử phúc thẩm, chỉ có các bị cáo kháng cáo và kêu oan, do đó VKSND Tối  cao chỉ có quyền đề nghị y án hoặc giảm án chứ không có quyền đề nghị tăng án. “Không có kháng nghị mà chỉ có bị cáo kháng cáo và kêu oan nhưng tự nhiên VKSND Tối cao lại đề nghị tăng án cho bị cáo, tôi cho rằng như thế là thiếu căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Sang bức xúc.

 

Đình Quang 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.