Doanh nghiệp

VNPT sẽ thế nào khi "mất" MobiFone?

04/04/2014, 06:48

Được ví như "gà đẻ trứng vàng", MobiFone "ra đi" sẽ để lại một khoảng trống lớn về doanh thu, lợi nhuận đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT).

VNPT sẽ phải xoay xở để bù lấp khoảng trống do MobiFone để lại
VNPT sẽ phải xoay xở để bù lấp khoảng trống do MobiFone để lại


MobiFone “ra đi” một mình


Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Thường trực Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cấu trúc VNPT với việc tách mạng MobiFone ra độc lập để cổ phần hóa. MobiFone sẽ không “gánh” một số thành viên khác của VNPT như phương án trước đó là Hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 và Công ty Tài chính Bưu điện - ba đơn vị thua lỗ lớn của VNPT vừa qua.


Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Chiến cho biết, MobiFone cũng chỉ “mới nghe qua báo chí” chứ chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc này. “Về nguyên tắc, MobiFone tuân thủ, triển khai nhanh và quyết liệt tất cả ngay khi có văn bản, hướng dẫn cụ thể. Hiện tại chúng tôi đang ở tư thế sẵn sàng, nhưng chưa dám bình luận gì”, ông Chiến cho biết thêm, phương án tách riêng MobiFone là phương án của VNPT đề xuất lên Bộ Thông tin & Truyền thông và được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, MobiFone chỉ đóng góp ý kiến vào phương án này, do vậy thông tin cuối cùng vẫn phải chờ. 


Tuy nhiên, một lãnh đạo VNPT đã xác nhận với Báo Giao thông, đúng là Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone một mình tách khỏi VNPT để cổ phần hóa. “Chính phủ đã chính thức giao Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng lại phương án theo chủ trương mới, trình Chính phủ ký duyệt để triển khai. Hiện VNPT cũng đang chờ thực hiện theo phương án mới”. 
 

Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone tách khỏi VNPT để cổ phần hóa
Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone tách khỏi VNPT để cổ phần hóa


VNPT sẽ giải thể đơn vị thua lỗ


Như vậy, với phương án mới này, khoảng trống của MobiFone để lại cho VNPT sẽ càng lớn. Báo cáo tài chính năm 2013 của VNPT cho thấy, năm 2013, VNPT đạt doanh thu 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.265 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ riêng lợi nhuận của MobiFone đã trên 6.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Ngay cả khi có trong tay MobiFone, tập đoàn này cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT giảm 37,3% so với năm 2011, còn 7,8%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm 47,3%, còn 8,4%; lợi nhuận trước thuế giảm 37,3% còn 5.458 tỷ đồng so với năm trước và giảm 3.832 tỷ đồng so với trước kiểm toán, lợi nhuận sau thuế còn 2.522 tỷ, giảm 3.306 tỷ so với trước kiểm toán...

Trong đó, năm 2012, ngoại trừ MobiFone ghi nhận mức lãi 6.717 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp khác lãi không đáng kể, thậm chí một số đơn vị lỗ “đậm”, như Công ty Tài chính bưu điện lỗ 635 tỷ đồng, “ăn” cả vào vốn chủ sở hữu 127,5 tỷ đồng; Vinasat 1 khai thác từ năm 2008 - 2011 lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến 329 tỷ đồng; Vinasat 2, nếu khai thác tốt vẫn lỗ 62-130 triệu USD, tương ứng 1.300- 2.600 tỷ đồng...  


Năm 2013, lợi nhuận của VNPT tăng mạnh so với năm 2012, song chỉ bằng 26% so với lợi nhuận của tập đoàn Viettel (hơn 35.000 tỷ đồng). Mặt khác, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng xác nhận, tổng số thuê bao điện thoại phát sinh cước trên mạng của VNPT đến cuối năm 2013 chỉ bằng 78% so với cuối  năm 2012, còn 40,4 triệu thuê bao. Theo phương án được VNPT trình trước đó, MobiFone tách ra sẽ phải “đính kèm” với gần chục doanh nghiệp khác, với khoản lỗ của riêng những doanh nghiệp này khoảng 1.500 tỷ đồng. Như vậy, theo phương án tách MobiFone mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VNPT sẽ vẫn phải “ôm” khoản lỗ ít nhất 1.500 tỷ đồng! 


“MobiFone không “mang theo” doanh nghiệp nào trong diện này có khiến VNPT yếu thêm?”, phóng viên Báo Giao thông đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo VNPT, ông này cho rằng: “Quan điểm cá nhân tôi thì không vấn đề gì. Kể cả MobiFone không “ra đi”, VNPT vẫn buộc phải tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo đó, chỉ để lại những đơn vị gắn với ngành kinh doanh chính, làm ăn hiệu quả, còn lại sẽ thoái vốn".

Chia sẻ băn khoăn của PV, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước chậm cổ phần hóa, chậm tái cấu trúc cũng vì việc thoái vốn rất khó khăn, vị đại diện VNPT nhận định, Chính phủ đã chấp thuận cho bán cổ phần dưới mệnh giá đó cũng là thuận lợi.  “Hơn nữa, VNPT không còn cách nào khác là phải mạnh dạn, quyết liệt với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kể cả cho giải thể, phá sản, vì cũng giống như tế bào ung thư buộc phải cắt”. Đại diện lãnh đạo VNPT khẳng định, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt chính thức đề án tái cơ cấu, VNPT sẽ triển khai, sẵn sàng để MobiFone “ra đi”.  

Thảo Nguyên
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.