Xã hội

Vợ Chánh án TAND huyện chiếm đất rừng phòng hộ xây nhà sàn

08/07/2022, 18:06

Vợ Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) chiếm đất rừng phòng hộ dựng nhà trái phép nhưng không chịu chấp hành xử lý vi phạm.

Lén lút xây nhà trên đất rừng

Thời gian qua, dư luận địa phương xôn xao về việc một ngôi nhà ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, được cho là xây trái phép của người thân cán bộ tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý, tháo dỡ.

Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận ngôi sàn kiên cố được xây bằng gỗ trên diện tích hàng chục m2, mái nhà lợp bằng tôn có cầu thang đi lên. Xung quanh ngôi nhà được vây lại bằng dây thép để bảo vệ. Để xây dựng ngôi nhà, một số cây gỗ lớn bị chặt phá trơ gốc. Đường vào ngôi nhà sàn có bảng chỉ dẫn khu rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh.

img

Ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố trên đất rừng phòng hộ

Theo tìm hiểu của PV, đây là ngôi nhà của bà Trương Thị Lệ Thâm (nguyên lãnh đạo Phòng Y tế thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh) là vợ ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo xác nhận đây đúng là ngôi nhà xây trái phép của bà Trương Thị Lệ Thâm. Đồng thời cho biết, bà này thực hiện hành vi vi phạm lén lút vào ban đêm và các ngày nghỉ lễ, gây khó cho công tác xử lý.

Theo ông Tiến, trước đây bà Thâm nhờ ông Nguyễn Hữu Đức (bà Thâm là em vợ ông Đức) đứng tên khiến kéo dài thời gian xử lý.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, ông Đức thấy vụ việc phức tạp lo sợ ảnh hưởng nên làm đơn trình bày sự thật, mình không phải là người vi phạm. Vì vậy, xã phải lập hồ sơ xác định lại đối tượng vi phạm ban đầu đối với bà Thâm.

Năm 2021, bà Trương Thị Lệ Thâm có đơn khiếu nại việc UBND huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất rừng phòng hộ đối với bà là không chính xác, phiến diện, thiếu tính nhân văn...

Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành đã ra quyết định không công nhận toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của bà Thâm.

img

Đường vào ngôi nhà sàn xây trái phép trên đất rừng phòng hộ

Không chịu tháo dỡ, trả lại đất đã chiếm

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo xây dựng phương án cưỡng chế vi phạm đối với bà Trương Thị Lệ Thâm sau khi xác định vi phạm.

Cụ thể, theo lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, bà Thâm tự ý chiếm đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý với diện tích 58,2m2 để dựng nhà sàn lắp ghép bằng gỗ, cao 7m, mái lợp tôn với diện tích 53 m2 và xây dựng nhà vệ sinh 5,2 m2.

Cuối năm 2021, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Thâm. Số tiền xử phạt là 5 triệu đồng; buộc bà Thâm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trên đất) và trả lại diện tích 58,2 m2 đất đã chiếm, trong thời hạn 30 ngày.

img

Một số cây lớn bị chặt hạ tại gần hiện trường

Tuy nhiên, đến nay bà Thâm vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm.

"Bà Thâm vi phạm nhưng không chấp hành quyết định nộp phạt, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục, xây dựng phương án cưỡng chế theo quy định", ông Thông cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông khẳng định, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, buộc bà Thâm phải trả lại diện tích đất rừng phòng hộ đã chiếm để Ban Quản lý rừng phòng hộ, tiếp tục trồng rừng theo quy hoạch được duyệt.

Theo ông Thông, UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng báo cáo Thường trực Huyện uỷ xem xét, cho ý kiến về hình thức xử lý đối với chồng của bà Thâm là ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh.

"Ông Biểu là cán bộ của huyện nhưng để vợ trực tiếp vi phạm Luật Đất đai, chiếm đất rừng phòng hộ, dựng nhà trái phép là sai quy định của Đảng và Nhà nước.

Việc này, cần phải xin ý kiến Thường trực Huyện uỷ, phía Uỷ ban đã báo cáo và sắp tới sẽ tổ chức cuộc họp để bàn cách xử lý", ông Thông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.