Xã hội

Vợ chì chiết khi chồng uống rượu say có phải là bạo lực gia đình?

08/09/2022, 12:30

Góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Minh Đức đề nghị làm rõ hơn khái niệm "bạo lực gia đình".

Làm rõ hơn khái niệm "bạo lực gia đình"

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 8/9, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) đề nghị làm rõ hơn khái niệm "bạo lực gia đình".

img

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM)

Theo dự thảo Luật, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Đại biểu Đức đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về khái niệm về bạo lực gia đình, đảm bảo thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ Luật hình sự về những tội danh tội hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác… xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.

"Phải có quy định rất chặt chẽ những hành vi đó. Lâu nay, ông chồng đi uống rượu về mà bà vợ cứ chì chiết, không cẩn thận lại trở thành câu chuyện vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình", ông Đức nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) quan tâm đến tính khả thi của Luật. Theo đó, Ban soạn thảo cần làm rõ các hành vi bạo lực gia đình cùng 15 nhóm quy định chung với toàn bộ các chế tài như: tố giác, báo tin, cưỡng chế... Bởi nếu không làm rõ thì có thể tạo nên hiệu ứng phức tạp, ngược tác dụng.

Theo đại biểu Thành, với 15 nhóm quy định hành vi bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ, hành vi và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm: bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các hành vi bạo lực khác cũng như xác định mức độ của các hành vi bạo lực này để cơ quan chức năng áp dụng các loại chế tài phù hợp.

Bạo lực gia đình ở mức nhẹ có thể bị phạt 'làm việc phục vụ cộng đồng'

Trình bày báo cáo "Một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, các hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình đan xen nhiều hình thức khác nhau.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.jpg

Do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lặp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật.

Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng; có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, xuất phát từ nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm" thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật. Điều này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.

Dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình (trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối); quy định tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi thấy cần thiết bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị bạo lực gia đình để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết. Dự thảo luật bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" đối với người bạo lực gia đình như một biện pháp răn đe, giáo dục cao và không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.