Thời sự

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, chính quyền cố tình làm ngơ?

04/08/2014, 07:44

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai ,một lần nữa tính mạng người dân nơi đây lại bị coi thường. Đời sống người dân sẽ ra sao? Trách nhiệm thuộc về ai?

Người dân xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chưa kịp hoàn hồn sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 vào tháng 6/2013, kinh tế và đời sống chưa kịp hồi phục thì một lần nữa tính mạng người dân lại bị coi thường. Đời sống người dân nơi đây sẽ ra sao? Trách nhiệm thuộc về ai?

Hoang tàn sau vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2
Hoang tàn sau vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2

Đời sống người dân sẽ ra sao?

Như PV Báo Giao thông đưa tin về vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 ngày 1/8, đây là lần thứ hai xãy ra vỡ đập  chỉ sau 1 năm. Sau vỡ đập, hàng loạt người dân các làng Ó, Bi, Mook Den, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) đã hãi hùng sống trong nỗi lo sợ đập thủy điện Ia Krêl 2 thêm một lần nữa bị vỡ.

Theo thống kê của xã Ia Dom, tính đến 16h30 chiều ngày 2/8. Lũ do vỡ đập Ia Krel 2 lần hai gây thiệt hại cho 179 hộ dân. Thiệt hại về hoa màu, cây trồng là 365 ha. (Trong đó, hơn 259 ha mì, 51,7 ha điều, 9,8 ha cao su, 1.690 trụ tiêu, 35,5 ha lúa, 3,1ha cà phê, 6,5 ha bắp, 1,5 ha đậu phụng) và gần 30 chòi rẫy bị nước lũ ngập, cuốn trôi làm hư hại cùng nhiều vật dụng, tài sản khác của người dân. Thiệt hại nặng nề nhất thuộc về Công ty 72 (Binh đoàn 15), theo báo cáo sơ bộ từ Đội 20, thì 65 ha cao su của công ty đã bị thiệt hại do vỡ đập thủy điện. Trong đó, 30 ha bị hư hại hoàn toàn, không có khả năng khôi phục.

Mặc dù đã được chính quyền địa phương cảnh báo và di dân, nhưng khi vỡ đập, nước ào về bất ngờ  người dân vẫn trở tay không kịp, một phần vì do trời mưa to nên nhiều người nấn ná, chần chừ. Khi trao đối với nhóm PV thì trên gương mặt chị Rơ Lan Toét, người dân làng Ó (xã Ia Dom)  vẫn chưa hết kinh hoàng và sợ hãi. “Nước về nhanh quá, nên bỏ hết lại tài sản, chỉ biết chạy lên đồi cao thôi. Nước chạy ầm ầm, sợ lắm, nước lần này cao hơn lần trước nhiều, cây cầu treo kia cũng bị ngập mà”, chị Toét nói.

Ngoài căn chòi bị ngập, tài sản bị trôi, thì gia đình chị Toét bị nước cuốn trôi 1ha mì. Điều đáng buồn đối với gia đình chị là 1ha cây cà phê mới trồng năm ngoái cũng bị lũ cuốn mất. Một hộ dân gần đó cũng bị phải bỏ lại vườn tiêu 800 trụ cùng căn nhà và nhiều tài sản như TV, tủ lạnh, xe máy phó mặc cho dòng nước đỏ ngầu giận dữ. Khi thấy nhóm PV đến, thì nhiều người dân cũng đến để chỉ cho chúng tôi sự tàn phá của cơn lũ quét qua: “Mấy chú xem xe công nông mà cũng bị nước nó đẩy mắc vào bụi cây, huống chi hoa màu, cây cối”.    

Trước tình hình đường giao thông, điện ở khu vực này bị tê liệt hoàn toàn do nhiều trụ điện cao thế bị lũ cuốn gãy, không có lương thực để ăn. Công ty 72 đã hỗ trợ cho 10 hộ dân ở khu vực gần trụ sở Đội 20 là 35kg gạo, 1 thùng mì tôm/ hộ để cứu đói. Đồng thời cấp 2 máy phát điện, dầu để ứng phó với tình hình mất điện hiện tại.

Trong khi chờ đợi, đời sống của người dân vùng bị thiệt hại sẽ rất khó khăn, bởi nhiều hộ đã bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, cây trồng. Chiều ngày 2/8, ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết đang chỉ đạo xã Ia Dom thống kê thiệt hại, kiểm tra xem có hộ nào bị thiếu đói không. Nếu có, huyện sẽ hỗ trợ ban đầu cho dân.

Về phía đại diện chính quyền tỉnh, ông Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai sẽ có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ về vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2. UBND tỉnh cũng chỉ đạo cho các lực lượng cứu hộ rà soát, túc trực ở khu vực nước sâu để đề phòng mưa lớn, lũ lại tràn xuống. Các sở, ngành chức năng và chính quyền huyện Đức Cơ phải phối hợp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, thống kê số lượng hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại để buộc chủ đầu tư hỗ trợ, đền bù. Công an tỉnh Gia Lai cũng sẽ vào cuộc điều tra để có cơ sở xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này.   

Người dân ngơ ngác đi tìm đồ vật bị trôi mất
Người dân ngơ ngác đi tìm đồ vật bị trôi mất

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại hiện trường, chúng tôi thu thập được thông tin: do nước lũ lên quá nhanh, mặc dù phía Công ty Bảo Long - Gia Lai đã cho xe múc phá tràn để xả nước nhưng vẫn không thể cứu được thân đập. Con đập lại bị vỡ ngay vị trí đã bị vỡ lần 1 (6/2013) và vị trí cống xả mới xây cách khoảng 200m.

Cách đây khoảng 3 tháng, UBND huyện Đức Cơ đã có công văn “cầu cứu” các sở, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai về việc Công ty Bảo Long - Gia Lai tự ý thi công, tích nước, bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương. Không những thế, công ty này không hề có một văn bản nào báo cáo cho chính quyền địa phương việc tích nước.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào chiều 2/8, ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết: “Công trình thủy điện Ia Krêl 2 đã được cấp phép thi công trở lại. UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương và Sở Xây dựng cấp phép. Về phía Sở Công thương, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục. Để xảy ra sự cố vỡ đập Ia Krêl 2 lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 năm, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải chịu trách nhiệm”.  Như vậy, không thể nói các sở, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai không biết việc thủy điện tích nước trái phép trước khi đập bị vỡ. Dư luân đặt câu hỏi chính quyền tỉnh Gia Lai bó tay chịu thua, hay có dấu hiệu làm ngơ để cho Công ty Bảo Long - Gia Lai tích nước.

Đời sống của người dân tại khu vực lũ quét vốn đã khó khăn nghèo khó. Trong khi xã hội ngày càng phát triển, thì chỉ trong 2 năm mà mọi cơ nghiệp của người dân khu vực này hầu như chẳng còn gì. Vườn tược sau trận lũ quét vì vỡ đập 6/2013 mới được trồng, chồi tiêu vừa mới một năm chỉ ngoi lên chừng 1m nay đã đổ ập. Nhìn cảnh hoang tàn của lũ quét, nhìn nét mặt hoảng loạn của người dân, ngoại trừ những đứa trẻ nhỏ vẫn vô tư cười đùa với lứa bạn thì hầu như trên những gương mặt lam lũ của người dân nơi đây đều chung một nét mặt ảm đạm, lo âu. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Chưa biết “trái bóng trách nhiệm” sẽ được các cơ quan chức năng bộ, ngành đá đi đến đâu nhưng việc đập thủy điện vỡ lần 2 chỉ cách nhau có một năm là điều không thể chấp nhận được. Phải chăng tính mạng, tài sản của người dân của huyện biên giới Đức Cơ bị xem nhẹ? Thiết nghĩ, đã đến lúc các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo có chỉ đạo đúng đắn đối với công trình thủy điện Ia Krêl 2. Không thể để tình trạng coi thường mạng sống của người dân như thế này tiếp diễn.                                                                                             

Vĩnh Yên – Đinh Tâm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.