Xã hội

Vỡ đê ở Chương Mỹ: Sơ tán hàng nghìn người, làng thành ốc đảo

12/10/2017, 18:59

Xã Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội vỡ hơn 10m đê khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán.

22414653_2030025343899573_654813209_n

Người dân dùng bè chuối, thuyền thúng nhỏ để ra vào thôn Nằng, xã Tân Tiến.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều ngày 12/10, tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, một số tuyến đường vào các thôn bị chia cắt hoàn toàn do nước ngập sâu. 

Trực tiếp cùng đoàn kiểm tra của xã do Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Định dẫn đầu, di chuyển bằng thuyền thúng tới thôn Nằng, PV ghi nhận thôn này đã bị cô lập hoàn toàn, trong làng chỉ còn lại một số ít người chưa kịp sơ tán.

Do giao thông bị chia cắt hoàn toàn nên hầu như chỉ có thanh niên và trung niên di chuyển trên những chiếc thuyền nhỏ hoặc bè chuối vận chuyển lương thực.

Toàn bộ các ngôi nhà trong thôn đều bị ngập ngang nhà, các vật dụng đều được chuyển lên tầng 2 hoặc tầng 3 để tránh nước. Hiện tại điện đã được cắt toàn bộ để đảm bảo an toàn.

Bà Trịnh Thị Lượng (65 tuổi) người thôn Nằng cho biết: “Khổ vô cùng, nước ngập cao không ra được ngoài, gia đình tôi cũng đã chuẩn bị nhiều bao tải cói cho thóc, ngô vào, cứ nước dâng lên lại di chuyển lên cao”.

Còn ông Nguyễn Hữu Luận, Phó trưởng thôn Nằng nói, thôn có gần 700 hộ dân, toàn bộ người già và trẻ em đã được sơ tán ra ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Tuyến, cán bộ văn hoá xã Tân Tiến cho biết, trước những diễn biến phúc tạp của mưa lũ, đã yêu cầu đài truyền thanh xã trực 24/24 thường xuyên thông tin diễn biến của mưa lũ để bà con nắm được và có cách phòng tránh. Đồng thời, cán bộ xã xuống hiện trường cùng lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, phụ nữ đoàn thể xã ứng trực tại các vị trí cô lập, kịp thời giúp nhân dân cũng như cứu trợ tới nhân dân.

Sẵn sàng cứu trợ tới người dân

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Định, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, vụ việc xảy ra khoảng 6h sáng 12/10, đê Bùi 2 đã vỡ khoảng 8m thuộc địa bàn xã Hoàng Văn Thụ và 4m thuộc địa bàn xã Tân Tiến. Đến chiều tối 12/10, nước vẫn đang tiếp tục dâng lên, vì thế phải chờ khi nước lũ rút mới có biện pháp khắc phục.

Để đảm bảo nhu cầu cấp thiết của người dân, trước mắt các lực lượng ứng trực thông báo cho người già, trẻ em, phụ nữ sơ tán, một số gia đình ở lại thì di chuyển từ thấp lên cao. Hơn nữa địa phương đã chủ động nguồn nước uống, lương thực dự trữ, trường hợp mất điện không khắc phục được để nấu nướng thì sẽ có phương án tiếp tế.

“Hiện lực lượng quân sự, công an xã, cán bộ cơ sở đang trực tại địa bàn, nếu có gì biến động sẽ thông báo ngay về ban chỉ đạo UBND xã Tân Tiến để cử người hỗ trợ ứng cứu ngay. Nguồn lương thực UBND xã cũng đã sẵn sàng cung cấp cho nhân dân. Ở đây gần thị trấn Xuân Mai, tất cả mặt hàng cũng sẵn, chỉ trong vòng thời gian rất ngắn sẽ có lương thực thực phẩm cứu trợ bà con”, ông Định cho hay.

Theo Thống kê của UBND xã Tân Tiến, đến chiều ngày 12/10 trên địa bàn thiệt hại 145 ha diện tích cây màu vụ Đông, 12 ha diện tích cây ăn quả và cây lâu năm, 86,5 ha thuỷ sản; 367 nhà dân bị ngập sâu...

Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi lại tại thôn Nằng, xã Tân Tiến, nơi đang bị chia cắt với thế giới bên ngoài:

22447022_2030025083899599_518145058_n

Nhà ngập sâu hơn nửa nhà nên người dân phải đi sơ tán. 

22447609_2030026223899485_770452014_n

Lực lượng dân quân tự về giúp đưa các cháu nhỏ sơ tán khỏi thôn Nằng.

22447018_2030026197232821_293960431_n

Ông Nguyễn Hữu Định, Phó chủ tịch xã Tân Tiến sửa mái chèo để chèo thuyền đi trợ giúp người dân thôn Nằng

22414685_2030024757232965_1674476124_n

Trong làng hầu như chỉ còn lại thanh niên và trung niên, phương tiện di chuyển là những chiếc thuyền thúng nhỏ.

22501139_2030026623899445_755557641_n

Nước ngập sâu khiến những người còn ở lại trong thôn phải di chuyển lên cao.

22471410_2030025303899577_1306824459_n

Lực lượng dân quân tự vệ xã Tân Tiến ứng trực để giúp người dân bất cứ khi nào.

22471408_2030026290566145_1512727293_n

Nước ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Trong khi đó, tại xã Hoàng Văn Thụ, đoạn đê vỡ nằm cách khu dân cư 1km. Ngay  khi nhận được thông tin đê vỡ, lãnh đạo TP, huyện và địa phương đã đến hiện trường chỉ đạo khắc phục.

Các lực lượng chức năng đang tìm biện pháp ngăn chặn, không cho đê vỡ thêm. Trước mắt, đê vỡ làm ảnh hưởng một số hoa màu của người dân.

Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra, trực tiếp nắm tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện có 7/32 xã, thị trấn bị nước lũ cô lập là xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai. Trên địa bàn xã Nam Phương Tiến có 10 thôn trong đó có 4 thôn địa hình trũng nhất gồm: Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hải, Hạnh Côn bị ngập hoàn toàn, ảnh hưởng đến gần 800 hộ dân.

Đáng lưu ý, tính từ 19h ngày 11/10 đến sáng 12/10, theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, ngày 11/10 xảy ra ngập tràn đê, chiều dài đoạn tràn là 120m (đê bối Đồng Trối, xã Thủy Xuân Tiên), sạt lở 10m đê bối (đoạn cầu Vai Phiêu, xã Hoàng Văn Thụ).

Vào khoảng 16h ngày 9/10, cháu Nguyễn Đình Tú, học sinh lớp 7 trường Nam Phương Tiến B sau khi đi học về, đi chơi không may bị trượt chân, bị nước cuốn ở khu vực đập Văn Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.