Chất lượng sống

Vợ thiếu tá quyết định hiến tạng chồng giúp 6 người “hồi sinh”

18/03/2018, 08:44

Thêm 6 người “hồi sinh” nhờ quyết định hiến tạng của vợ thiếu tá 45 tuổi trước khi chồng chết não.

ca ghep phổi

Thêm 6 người “hồi sinh” nhờ quyết định hiến tạng táo bạo của vợ thiếu tá 45 tuổi trước khi chồng chết não

“Em không biết anh có giận em không….”

Theo chia sẻ của một cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, khoảng cuối tháng 2, trung tâm bất ngờ nhận được điện thoại đăng ký được hiến tạng từ gia đình 1 thiếu tá 45 tuổi. Anh gặp tai nạn khi đang làm nhiệm vụ và rơi vào hôn mê sâu. Khi biết chồng không thể qua khỏi, người vợ đã có một quyết định táo bạo “hiến tạng cứu người”.

"Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được những người khác, em vẫn mong anh thấy mẹ con em sống ra sao” – đó lời thì thầm của người vợ với chồng trước những giờ phút cuối cùng khi anh được đưa vào phòng phẫu thuật hiến tạng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia, ngay sau khi gia đình anh quyết định hiến tạng, trung tâm đã thông báo cho các bệnh viện. Các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng có cùng chỉ số ngay lập tức được nhập viện kiểm tra. 

Và chỉ 40 giờ sau, các kíp phẫu thuật và những người bệnh đang cần được cứu đã chờ sẵn. Trong đó, có một người ghép phổi, một người ghép giác mạc và một người ghép thận tại Bệnh viện 108, một người ghép tim và một người ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, một người ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt trung ương.

Thành công ca ghép phổi từ người chết não đầu tiên

Sau gần 20 ngày được ghép phổi, đến nay bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 52 tuổi, quê Nam Định đã tự vận động, đi lại, ăn uống nhẹ nhàng, tự thở, các xét nghiệm ổn định. Từ phòng chăm sóc đặc biệt, ông Hanh phấn khởi cho hay, ông không còn khó thở như trước và đã tự thở được. Tự đáy lòng, ông bày tỏ sự cảm ơn tới những y, bác sỹ và đặc biệt là gia đình người đã có nghĩa cử cao đẹp, trao tặng phổi để ông và rất nhiều người bệnh khác có được cơ hội khỏe mạnh trở lại như ngày hôm nay.

Trước đó, ông Hanh bị suy hô hấp thường xuyên, và luôn trong tình trạng có thể chết bất cứ lúc nào vì đã suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Thật may mắn, ông Hanh đã nhận được tạng hiến và ghép thành công.

Theo GS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV 108, dù Việt Nam đã thành công với các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tuỵ, ghép giác mạc… và một số bộ phận cơ thể khác. Tuy nhiên, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn.

Từ khi nhận được thông tin có người cho chết não hiến tạng, các bác sỹ của bệnh viện chỉ có khoảng 40 giờ đồng hồ để hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế trước khi tiến hành lấy đa phủ tạng, ghép tạng cho các bệnh nhân. Để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, số người tham gia gồm có hai chuyên gia đến từ nước Pháp, một chuyên gia đến từ Bỉ, và hơn 60 thầy thuốc, bác sỹ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sỹ, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện.

Theo giáo sư Bàng, Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Bởi ở trường hợp ghép phổi từ người cho sống, các bác sỹ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Với trường hợp ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp. Chính vì vậy, các bác sỹ phải khẩn trương để làm sao vừa phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi trong một thời gian rất ngắn… Nhất là trường hợp này ghép 2 phổi đồng thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.