Kinh tế

Vô tư ăn thịt thú rừng, bất chấp nguy cơ nhiễm Ebola

04/09/2014, 06:58

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Ebola có thể có trên tinh tinh, vượn, linh dương, nhím, lợn rừng… và thói quen ăn thịt thú rừng là một nguyên nhân dẫn đến đại dịch.

Loài rơi ăn hoa quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus ebola
Loài rơi ăn hoa quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus ebola


Vô tư bán, vô tư ăn


Nhà hàng Tây Bắc (khu Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Nội) vốn có tiếng về thịt thú rừng. Anh Tuấn, quản lý nhà hàng cho biết, các loại như nhím, lợn rừng vốn là món tủ của nhà hàng thì lúc nào cũng có sẵn, nếu khách hành thích don, dúi hay cầy hương thì phải đặt trước.

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola và các bệnh truyền nhiễm khác, cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế với các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) đề nghị Chi cục Kiểm lâm và các tỉnh, TP tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu và nuôi động vật hoang dã tại địa phương; yêu cầu chủ các cơ sở gây nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là các cơ sở có nuôi động vật nhập khẩu từ khu vực châu Phi; đồng thời, có các biện pháp an toàn cho người khi tiếp xúc với động vật hoang dã và sản phẩm của chúng.

Theo báo giá của anh Tuấn, cầy hương 2 triệu đồng/kg (2kg/con), có thể làm hai món hấp và rựa mận; don, dúi khoảng 1,8 triệu đồng/kg, chế biến được nhiều món hơn như: Nấu măng, xả ớt, canh đắng, còn với nhím 440.000đ/kg (10kg/con) thường làm 7 món, như: Cháo, hấp, rựa mận, nậm pịa, nướng, xào lăn và tiết canh. Mỗi ngày nhà hàng có hàng chục lượt khách, ngày cuối tuần nhiều khi phải đặt chỗ trước và đặc biệt những dịp lễ, Tết như 2/9 vừa qua thì nhân viên “bở hơi tai” cũng không kịp phục vụ. 

Khi được chúng tôi đặt câu hỏi, thông tin dịch bệnh Ebola có khả năng lây nhiễm qua động vật hoang dã như nhím, lợn rừng… có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, anh Tuấn vui vẻ: “Từ trước đến giờ, lúc nào món nhím cũng thu hút khách hàng. Mà Ebola ở tận châu Phi cơ mà, liên quan gì đến mình chứ”. 


Không chỉ với Nhà hàng Tây Bắc, ở rất nhiều nhà hàng đặc sản thịt thú rừng tại Hà Nội cũng như khắp các tỉnh, TP khác đều có tình trạng chủ quán vô tư bán, khách vô tư… ăn, bất chấp khuyến cáo từ các chuyên gia y tế về nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật hoang dã. 

“Chưa lây sang Việt Nam đâu mà sợ”


Tại Đà Nẵng, thịt thú rừng chủ yếu bán ở những nhà hàng sang trọng hoặc quán xá ở ngoại ô TP, song hầu như từ thực khách đến người tận tay giết thịt thú rừng đều thờ ơ với khuyến cáo của cơ quan y tế. “Người ta đặt hàng làm thịt rừng thì mình làm thôi, dịch Ebola chưa lây sang Việt Nam đâu mà sợ. Nghe nói cơ quan chức năng đã chặn đứng dịch từ sân bay cơ mà” - Linh, đầu bếp một nhà hàng trên đường Ngô Quyền, TP Đà Nẵng nói. Quan sát cách làm thịt thú rừng tại nhà hàng N.K trên đường Nguyễn Tất Thành cho thấy, các đầu bếp tay không đánh vật với các con thú còn sống. Với con dao sắc và đôi tay trần, đầu bếp cắt tiết con vật rồi chế biến, máu me, lông thú bê bết dưới sàn nhà ẩm ướt. 


Tại TP HCM, nạn buôn bán thú rừng theo kiểu “du kích” đang có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại trên vỉa hè một số tuyến đường. Động vật hoang dã dù được bày bán công khai nhưng cơ quan chức năng rất khó truy bắt vì chỉ thoáng thấy lực lượng Công an, Thú y là những đối tượng này xách lồng bỏ chạy hoặc bỏ của chạy lấy người. Đoạn đường Lê Hồng Phong, thuộc phường 2, quận 10, chưa đến 200m nhưng có đến hai điểm bán thịt thú rừng. Những con khỉ, rùa, rắn… được nhốt trong những chiếc lồng sắt tỏ ra mệt mỏi, nằm bẹp dưới sàn. Hoạt động mua bán thịt thú rừng diễn ra tương tự trên vỉa hè, lề đường một số tuyến đường như: Góc giao lộ Lê Hồng Phong - 3 tháng 2, Nguyễn Kiệm, Hồng Bàng - Thuận Kiều (quận 10)… Ngoài ra những tuyến đường cửa ngõ TP HCM khu vực quận Bình Tân, QL22 thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi… cũng là những địa điểm giao dịch thịt thú rừng quen thuộc.
 

70% bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã

 

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức nông nghiệp, lương thực Liên hợp quốc (FAO), trên 70% các bệnh truyền nhiễm gần đây con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Các bằng chứng khoa học đã khẳng định rằng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), AIDS, cúm gia cầm... đặc biệt là bệnh Ebola với tỷ lệ tử vong lên đến trên 90%, hiện đang bùng phát tại các nước Trung và Tây Phi có nguy cơ lây lan sang các nước châu Á và Việt Nam, bắt nguồn từ các loài linh trưởng, cầy, dơi và chim di cư do con người tiếp xúc trong quá trình săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ...

 

(Còn tiếp)

Thanh Tuấn - Vĩnh Phú - Vũ Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.