Cuộc sống an toàn

Vơi nỗi lo TNGT đường sắt cho đồng bào thiểu số miền núi ở Ninh Thuận

26/12/2021, 11:18

Nhờ nâng cấp, cải tạo, lắp cảnh báo tự động từ xa tại các đường ngang giúp bà con đồng bào dân tộc vùng cao đi lại thuận lợi, an toàn hơn.

Tuyến đường sắt đoạn qua hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận có chiều dài hơn 200km. 2 năm nay nhờ hệ thống cảnh báo tự động, xây đường gom dân sinh, đặc biệt là các đoạn qua khu vực miền núi công tác đảm bảo ATGT đường sắt được nâng cao rõ rệt.

img

Hàng loạt điểm giao cắt đường sắt với đường bộ đoạn Nha Trang - Sài Gòn đã được cải tạo, lắp chắn tự động.

Lắp chắn tự động kéo dài đường ray, đi lại an toàn hơn

Quan sát trên cung đường qua hai tỉnh này có khoảng 50 điểm giao cắt được lắp gác chắn tự động, cảnh báo từ xa. Nhờ vậy việc đi lại của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được an toàn hơn khi qua các đường ngang dân sinh.

Đầu tháng 9/2021, tin vui đến với bà con dân tộc Kinh, Chăm, Raglay, Bà Ni (huyện Ninh Phước, Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) khi việc cải tạo, kéo dài đường ga Hòa Trinh (Km 1419+419) đã thi công xong vượt tiến độ nhiều tháng. Đây là điểm giao thông phức tạp thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nay đã được cải tạo xong giải tỏa nỗi ám ảnh mỗi khi qua đường tàu.

Ngày 21/12, PV Báo Giao thông có mặt tại điểm giao cắt Km 1419+419, trước đây là "điểm nóng" tiềm ẩn nguy cơ TNGT, nay đường ngang đã được kéo dài, lắp chắn tự đông mở thêm đường gom thuận lợi cho xe cộ qua lại.

img

Một đường ngang dân sinh đã cải tạo, lắp chắn tự động qua huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Bày tỏ sự vui mừng, bà Lựu - đồng bào dân tộc Chăm (xã Phước Nam) cho biết, nhiều năm qua tại ga Hòa Trinh thường xuyên xảy ra tình trạng tàu dừng đậu chắn ngang đường dân sinh gây ùn tắc xe, mỗi dịp gần Tết tàu đậu càng lâu chắn ngang đường gây ùn tắc. “Nay công nhân đã kéo dài xong đường ga, lắp thêm chắn tự động, “reng, reng” cảnh báo từ xa khi tàu đến rất an toàn”, bà Lựu phấn khởi nói.

Chị Võ Thị Ngọc Mai, (xã Phước Nam) cho biết, đây là đường ngang dân sinh nằm trong khu dân cư đi ra QL1 nhanh nhất nên xe cộ qua lại rất đông. Trước đây tàu dừng đỗ tại ga chắn ngang đường ngang dân sinh buộc người đi bộ, xe máy phải đi vòng gần cây số để băng qua đường ngang. Do chờ tàu lâu nhiều người mạo hiểm băng ngang đầu tàu hỏa “trèo” qua đường tàu rất nguy hiểm.

“Từ ngày làm đường gom đã tạo thêm mỹ quan đô thị, người dân qua lại dễ dàng không còn cảnh lộn xộn như trước. Tết năm nay người dân đi lại thuận lợi không còn nỗi lo phải băng ngang đường ray thiếu an toàn”, bà Mai cho hay.

“Xóa” nhiều điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Anh Trần Mạnh Quý, nhân viên Công ty CP Đường sắt Thuận Hải (đơn vị quản lý tuyến) cho biết, trước đây vào giờ cao điểm tàu dừng chắn ngay đường ngang đường sắt, có lúc dừng khoảng 30 phút. Lúc này do chờ lâu người dân đi bộ, đi xe máy băng ngang trước đoàn tàu dừng đậu rất nguy hiểm.

“Nay điểm giao cắt này đã được cải tạo kéo dài đường ngang khắc phục được tình trạng tàu dừng đậu lâu chắn ngang điểm giao cắt. Tại đây đã lắp chắn tự động cảnh báo từ xa đi lại an toàn hơn”, anh Quý nói.

img

Điểm giao cắt ga Hòa Trinh với đường bộ đã lắp chắn tự động, làm đường gom người dân đi lại an toàn.

Ông Trương Phi Hùng - nguyên Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện trên tuyến đường sắt qua tỉnh có khoảng 30 vị trí đường ngang được lắp hệ thống cảnh báo đèn tín hiệu, chắn tự động. Qua khảo sát tại các vị trí đường ngang có cảnh báo tự động từ xa rất hiệu quả trong kéo giảm TNGT đường sắt. Trong 2 năm qua không xảy ra TNGT tại các vị trí đường ngang.

Trong nhiều năm Ban ATGT, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần kiến nghị giải quyết tình trạng mất ATGT tại khu gian ga Hòa Trinh. Nay ngành Đường sắt đã cải tạo, xây mới ke ga, làm đường gom, lắp chắn tự động đây là niềm vui với người dân.

"Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường sắt đến từng thôn, xóm vùng sâu vùng xa, cùng đó việc cải tạo, lắp chắn tự động sẽ hạn chế TNGT tại các lối đi dân sinh”, ông Hùng cho hay.

Cùng chung nhận định ông Huỳnh Ngọc Thanh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt sẽ phát huy hiệu quả an toàn tàu chạy. “Vừa qua vị trí “điểm đen” tại đường ngang Km 1465+810 (huyện Tuy Phong) đã lập hồ sơ cải tạo, xóa bỏ. Sắp tới địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị đường sắt tiếp tục sớm triển khai tại các đường ngang tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT”, ông Thanh nói.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Diệp (Ban QLDA Đường sắt) cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn gồm có 8 gói thầu xây lắp, kéo dài 11 ga, cải tạo 6 khu gian, mở mới 6 ga. Các khu gian, thay tà vẹt, ray mới, kéo dài đường ga qua hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vượt tiến độ thi công.

Tại Ninh Thuận công tác thi công khu gian ga Hòa Trinh - Cà Ná đã thi công vượt tiến độ ban đầu. Riêng ga Hòa Trinh ngoài việc đầu tư xây dựng ke ga mới, thay ray, tà vẹt kéo dài đường ga khắc phục xong tình trạng tàu dừng tại ga chắn ngang điểm giao cắt để đảm bảo ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.