Thời sự

Với Trung Quốc, thể hiện tình hữu hảo nhưng giữ vững nguyên tắc

19/05/2014, 16:33

Một điều rất dễ nhận thấy là với Trung Quốc, Hồ Chủ Tịch luôn đưa ra những đối sách rất mềm dẻo nhưng không bao giờ mất cảnh giác.

Nhân dân đang hướng về lãnh đạo

- Thưa Giáo sư, nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thực chất chỉ là cái cớ. Đằng sau đó là những kế hoạch, toan tính nguy hiểm khác của họ tại Biển Đông. Nhận định này liệu có cơ sở và quan điểm của ông như thế nào?

Trung Quốc có cả một mưu đồ bá chủ biển Đông, trong đó hai quần đảo có vị chí chiến lược rất quan trọng của Việt Nam. Bước đi ráo riết thực hiện mưu đồ này là năm 1974 họ đã dùng vũ lực để đánh chiếm đảo Hoàng Sa. Năm 1998 tiếp tục chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Sau một loạt các hành động khiêu khích như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của ta, xua đuổi, thậm chí bắn chết ngư dân Việt trên vùng biển Việt Nam, thì bây giờ việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam chỉ là bước đi tiếp theo nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông mà thôi.

Đây là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế về Luật biển, đe doạ an toàn hàng hải khu vực biển Đông. Đây là một hành vi hết sức nguy hiểm, làm phương hại an ninh khu vực và thế giới. Ngay từ đầu Việt Nam đã có những phản ứng quyết liệt và được sự đồng tình mạnh mẽ của dư luận thế giới.

Tuy nhiên, vì tham vọng của Trung Quốc rất lớn nên cuộc đấu tranh này vô cùng cam go, phức tạp và lâu dài. Khi hạ đặt giàn khoan họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tính toán rất kỹ lưỡng. Trung Quốc chọn thời điểm Nga là nước có quan hệ thân thiết với Việt Nam đang gặp khó khăn ở Ucraina, lại đang tìm sự đồng tình ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Crưm, chuẩn bị có một cuộc tập trận chung giữa hai nước… 

Hơn 2 tuần lễ trôi qua, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ sẽ lùi bước trước thái độ đấu tranh kiên quyết của Việt Nam và dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ. 

Duy có điều có lẽ vì tham vọng, Trung Quốc đã không nhận ra những cái mất rất lớn của họ là hình ảnh đang xấu đi rất nhiều trong con mắt bạn bè quốc tế. Sự cô lập của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Có nhiều điều khiến Trung Quốc bất ngờ.

- Cái bất ngờ cụ thể đây là gì thưa ông?

Trước hết là về thái độ phản ứng quyết liệt của Việt Nam. Báo chí Trung Quốc đã có những bài nói họ ngỡ ngàng không hiểu vì sao Việt Nam sao lại phản ứng mạnh mẽ thế? Sự phê phán rộng rãi của dư luận quốc tế khiến cho Trung Quốc bị cô lập rất nhanh cũng khiến họ  lúng túng. Cho đến nay hầu như chưa có ai lên tiếng bênh vực hành động ngang ngược của Trung Quốc. Điều này rất khác với các sự kiện diễn ra trên thế giới, bao giờ cũng có những ý kiến đa chiều.

- Theo ông lúc này, Việt Nam nên làm gì?

Đối với người Việt Nam, tinh thần yêu nước như một nguồn năng lượng vô tận và khi được tập hợp lại, kích hoạt đúng cách thì sẽ trở thành sức mạnh vô địch. Hơn bao giờ hết năng lượng đó cần phải được tổ chức lại thật là khoa học. Nếu để bộc phát như ở Bình Dương, Hà Tĩnh thì rất nguy hiểm. Cách thể hiện lòng yêu nước như thế chẳng những không đem lại kết quả mà trái lại còn làm hại đến sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước, rất dễ bị kẻ xấu và kẻ thù lợi dụng. Việc hành hung, cướp phá làm tổn hại đến nguồn lực và làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong con mắt bè bạn và giảm đi tính chính nghĩa, một thế mạnh chúng ta đang có.

Đoàn kết toàn dân là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và cũng là một hình thức để năng lượng yêu nước phát huy sức mạnh. Trong thời khắc khó khăn này, cả dân tộc phải nhìn về một phía. Nhân dân đang hướng về lãnh đạo và trông chờ sự lãnh đạo kiên quyết và sáng suốt của lãnh đạo trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

1
GS-TSKH Vũ Minh Giang: "Nhân dân đang hướng về lãnh đạo và trông chờ sự lãnh đạo kiên quyết và sáng suốt của lãnh đạo trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc"

Tinh thần Hồ Chí Minh trong bảo vệ chủ quyền 

- Thưa ông, trong lịch sử vấn đề hải đảo đã được Bác Hồ quan tâm như thế nào?

Bác Hồ là người có tầm nhìn xa, trông rộng, nên Người có sự quan tâm đặc biệt đến biển và hải đảo, có nhiều chỉ đạo rất sớm về lĩnh vực này. 

Bác có một tấm ảnh đội mũ lính thuỷ, chụp khi đi thăm Quân chủng hải quân. Trong lúc nói chuyện với bộ đội Hải quân đã đã ví đất liền là nhà biển là cửa ngõ, muốn giữ nhà phải bảo vệ vững chắc cửa ngõ. Khi đi thăm đảo Cô Tô (cách thành phố Hạ Long chừng hơn 150km), Bác đã có những chỉ thị về việc bảo vệ và phát triển kinh tế trên các đảo và đặc biệt, Người cho phép dựng tượng trên đảo. Đây chính là một hình thức khẳng định chủ quyền.

Năm 1961, khi ra thăm Vịnh Hạ Long, lúc thuyền đưa Bác vào thăm hang Dấu Gỗ - nơi tướng quân Trần Hưng Đạo làm căn cứ hậu cần sản xuất cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông xâm lược, Bác nói với các chiến sĩ hải quân: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó".

- Trong xử lý mối quan hệ của Việt Nam với láng giềng Trung Quốc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Đi vào vụ việc cụ thể hiện nay trên Biển Đông, theo ông chúng ta cần giải quyết theo cách nào để bảo vệ lợi ích quốc gia?

Trong quan hệ với Trung Quốc, Hồ Chủ tịch luôn thể hiện tinh thần hữu hảo, nhưng giữ vững nguyên tắc. Theo tôi, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi thể hiện quyết tâm chúng ta sẽ làm tất cả mọi biện pháp có thể nhưng hợp lý để bảo vệ chủ quyền chính là tinh thần ấy. Cần lưu ý rằng, Trung Quốc đang có tham vọng lớn nên sẽ hành xử theo cách đòi gì được đấy và đòi được rồi thì tiếp tục đòi nữa với thái độ ngày càng ngang ngược hơn. 

Bài học lịch sử với Trung Quốc không phải là thích hay không thích mà quan trọng mình luôn đề cao cảnh giác. Lợi ích quốc gia của chúng ta lại là cái họ muốn có, sao tránh khỏi va chạm. Vấn đề là cách thức giải quyết. Họ muốn chiếm cả Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta, nếu mình nhún nhường, chùn bước thì sẽ đồng ngĩa với việc mất chủ quyền. Chúng ta cũng không nên nôn nóng nghĩ tới những giải pháp cứng rắn, dùng các biện pháp quân sự và điều có ý nghĩa sống còn lúc này là cố kết nhân dân, tin vào dân và nêu cao ngọn cờ chính nghĩa mới có thể giành được thắng lợi. Đã có rất nhiều bài học trong lịch sử rồi.

Bài học đầu tiên là bài học về mất cảnh giác thời Âu Lạc.  Vua An Dương Vương gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, đến từ Trung Quốc. Tin con rể, cho vào nhà để rồi bao nhiêu bí mật quân sự bị đánh cắp. Sau khi nắm hết bí mật Trọng Thủy phản bội, trở về nước đem quân đánh, Âu Lạc đại bại, An Dương Vương đã phải rút gươm chém đầu con gái rồi tự vẫn. Sai lầm này đã khiến dân tộc Việt Nam phải chịu đắng nuốt cay suốt 1000 năm Bắc thuộc. 

Thứ hai là bài học ỷ vào quân đội và vũ khí của Hồ Quý Ly. Không ai nghi ngờ về lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc của ông, nhưng quá chăm lo xây thành, đúc súng, xây dựng quân đội chính quy nên dù cho đã có toà thành đá kiên cố vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam và với hệ vũ khí vượt trội so với nhà Minh như súng Thần cơ, thuyền Cổ lâu cùng đội quân thường trực hùng mạnh nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đã bị quân Minh đánh bại. Phải mất 20 năm máu chảy đầu rơi, nghĩa quân  Lam Sơn mới giành lại được độc lập.

Bài học thứ ba rút ra từ chính sách cai trị của nhà Nguyễn. Vương triều Nguyễn không hề yếu nhưng đã trở nên ươn hèn trước quân Pháp. Sai lầm này khiến dân tộc rơi vào ách thực dân gần 100 năm.  Khi ấy không phải dân ta không yêu nước, truyền thống đoàn kết không phải đã mất đi, mà chính là do không có người lãnh đạo đủ tầm. Điều này đã được thể hiện sau khi nhà Nguyễn đầu hàng. Phong trào đấu tranh yêu nước liên tục nổ ra ngày càng mạnh và đã giành được thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Đó là ba bài học đắt giá trong lịch sử. Hồ Chủ tịch là người hiểu sâu sắc lịch sử nên đã lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi vẻ vang. Một điều rất dễ nhận thấy là Bác luôn đưa ra những đối sách rất mềm dẻo nhưng không bao giờ mất cảnh giác. Năm 1946, Bác Hồ phải tìm mọi cách đuổi  quân Tưởng Giới Thạch sớm ra khỏi nước ta, chấp nhận đánh nhau với Pháp để có trận Điện Biên Phủ chứ không để quân Tưởng Giới Thạch ở lại.  Bác hiểu Trung Quốc và không hề mất cảnh giác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ trên đảo Hòn Rồng trong lần Người về thăm đảo 31/3/1959
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ trên đảo Hòn Rồng trong lần Người về thăm đảo 31/3/1959

Khi thành lập quân đội, Bác Hồ đặt là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lấy vận động quần chúng là chính, sau đặt là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, chứ cụ không bao giờ dựa vào vũ khí. Cho về sau chúng ta có tên lửa, tàu ngầm nhưng không ỷ vào đó. Đây chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Không chỉ hiểu sâu sắc những bài học đắt giá, Bác Hồ còn là vị lãnh tụ phát huy được những bài học sáng giá về đoàn kết toàn dân của thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn Quang Trung. Bác thường căn dặn cặn phải đề cao tư tưởng của Trần Hưng Đạo "Chúng chí thành thành", tức là ý chí của dân là tòa thành kiên cố. 

Khi được hỏi kế sách giữ nước trước khi qua đời, Trần Hưng Đạo còn dặn lại vua Trần Anh Tông là thắng được giặc dữ là do trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức. Nên khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước. 

Bác Hồ là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết. Với tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công của Người, chúng ta sẽ có một thứ vũ khí vô địch để chiến thắng mọi thế lực xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích Quốc gia. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Lý  (Thực hiện)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.