Thời sự

Vốn trung hạn đầu tư cho giao thông đang rất thiếu

16/06/2017, 06:41

Ngày 15/6, Quốc hội dành trọn buổi sáng để các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

4

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn của các ĐBQH

Rất nhiều vấn đề nóng được đặt ra, các ĐBQH liên tục giơ biển xin tranh luận ít nhiều khiến Bộ trưởng Dũng lúng túng.

Không có “xin- cho” trong phân bổ vốn đầu tư

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) bày tỏ lo ngại tình trạng bội chi khi năm 2017, bội chi được dự báo khoảng 172.000 tỷ đồng nên việc khống chế thấp hơn là hết sức cấp bách trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ đang xin chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ 12.500 tỷ đồng; 18.000 tỷ đồng vay về cho vay lại của 5 dự án mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC làm chủ đầu tư chưa xử lý và 5.000 tỷ đồng vốn ODA đã giải ngân năm 2015 nhưng chưa có dự toán. “Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý 3 khoản đầu tư trên như thế nào để vừa đúng luật, không làm tăng bội chi ngân sách?”, ĐB chất vấn.

Cho rằng Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải cho việc bố trí vốn dàn trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm, ĐB Hàm tiếp tục hỏi: “Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại cơ chế “xin - cho” nên phân bổ chậm? Có việc Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên đã gây ách tắc cho đầu tư hay không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số 80.000 tỷ đồng nói trên có 70.000 tỷ đồng dành cho các dự án quan trọng quốc gia, 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập tại TP.HCM và 5.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành… Thấy Bộ trưởng ngập ngừng, lúng túng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói sẽ trả lời thay cho Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo luật, tất cả những công trình trọng điểm quốc gia phải được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các công trình hiện nay vẫn chưa được phân bổ giải ngân vốn là do chưa được thông qua thủ tục này. Cho đến nay, dự án đường cao tốc Bắc - Nam chưa được Quốc hội thông qua mà phải rời lại vào kỳ họp tiếp theo để kịp bổ sung hồ sơ; tương tự dự án chống ngập tại TP.HCM cũng vậy.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành ở đây là chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ trình ra Quốc hội nên các dự án trọng điểm vẫn chưa phân bổ được vốn đầu tư.

Cảm ơn sự hỗ trợ của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB, đồng thời khẳng định “không có chuyện xin - cho trong phân bổ vốn đầu tư”.

Bộ GTVT mong muốn các dự án BOT minh bạch, khách quan

Liên quan đến nhóm vấn đề về đầu tư cho hạ tầng giao thông, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) hỏi nguyên nhân chậm trễ của tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, trong khi ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn việc làm sao để giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt. ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì chất vấn về trách nhiệm của 2 Bộ KH&ĐT và GTVT trong việc hầu hết các dự án BOT đều chỉ định thầu dẫn tới thiếu minh bạch.

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã tham gia trả lời các chất vấn trên. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Thủ tướng, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo nội dung này, đồng thời đưa ra con số so sánh cụ thể ở rất nhiều nước: Đối với đường cao tốc 6 làn xe quy về tiêu chuẩn, quy mô đường ở Đức là khoảng 10,9 triệu USD/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD/km, Hungary là 13,3 triệu USD/km, ở Áo là 16,7 triệu USD/km, ở Mỹ là từ 12,8- 40,8 triệu USD/km, ở Trung Quốc là từ 10,5-13,6 triệu USD/km. Và trong đề án đường cao tốc Bắc - Nam thì chỉ dự kiến 9,5 triệu USD/km.

Còn về đường sắt, dự kiến của nhà tư vấn Nhật Bản khi xin ý kiến là 50 tỷ USD, nhưng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, đây cũng là một nội dung mà Bộ GTVT sẽ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 năm 2018, lúc đó sẽ có số liệu chính xác và đảm bảo hơn.

Về đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ mà ĐB Hoa Ry hỏi, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, Bộ đã yêu cầu kiểm tra lại. Bộ trưởng dẫn chứng đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn trước làm quy mô 13m, trong khi đó Sài Gòn - Trung Lương là 17m, Mỹ Thuận- Cần Thơ là 17m nên tạo nút thắt ở chỗ này, vì thế đã xin điều chỉnh lại. Đến nay, Chính phủ cơ bản đã đồng thuận với quy mô điều chỉnh đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận thành 17m cho đồng bộ với quy mô chung từ Sài Gòn đi Cần Thơ.

Về việc chỉ định thầu trong dự án BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá giai đoạn qua, chúng ta làm rất nhiều dự án, đây là hình thức đúng đắn theo Nghị quyết T.Ư và cũng đã huy động được nhiều nguồn lực. “Từ 2011- 2015, chúng ta huy động 171 nghìn tỷ đồng, và đối với các dự án này cơ bản là chỉ định thầu. Lý do chỉ định thầu cũng là nội dung đã được Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của Thường vụ Quốc hội. Và tôi nghĩ rằng, sẽ có kết luận đầy đủ vào tháng 8 tới để giải quyết một cách khách quan, đầy đủ. Đề xuất của Bộ GTVT cũng như yêu cầu của xã hội là làm sao các dự án BOT triển khai một cách minh bạch, khách quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nghĩa cũng mong muốn các ĐBQH chia sẻ với ngành Giao thông. Bởi nhu cầu kinh phí của ngành giao thông tổng hợp từ tất cả các địa phương và đã được cập nhật vào vốn trung hạn khoảng 925 nghìn tỷ, nhưng cho đến hiện nay, vốn cân đối trung hạn đó mới chỉ được khoảng 31%, có nghĩa là đang thiếu vô cùng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.