Thời sự

Vốn xây cao tốc Bắc - Nam không khó

12/06/2017, 09:30

Đó là nhận định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi trao đổi với Báo Giao thông.

4

Ông Nguyễn Đức Kiên

Sau chuyến thị sát trực tiếp tại hiện trường dự án cao tốc Bắc - Nam để phục vụ công tác thẩm tra, ông đánh giá thế nào về tính cấp bách của việc triển khai dự án?

Tầm quan trọng của cao tốc Bắc - Nam là để kết nối các vùng kinh tế của cả nước lại với nhau. Chúng ta có 7 vùng kinh tế, chứ không đơn thuần là cao tốc Bắc - Nam chỉ là để nối Hà Nội với TP.HCM. Bởi nếu chỉ đơn thuần là nối Hà Nội với TP.HCM thì cứ lấy ngân sách chia cho mỗi tỉnh một ít để đầu tư chứ cần gì xây dựng một dự án thế này.

Cái quan trọng nhất của dự án này là tính kết nối và khi có đường thì không chỉ có địa phương nơi dự án chạy qua mới được hưởng lợi, mà cả đất nước đều được hưởng lợi, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam và giải quyết được những hạn chế mà các tuyến QL đặc biệt là QL1 không thể khắc phục như tốc độ hạn chế, thường xảy ra ùn tắc, TNGT xảy ra nhiều ở khu vực đông dân cư, nhiều nút giao cùng mức… Tổng quan tôi cho rằng, dự án này rất nên làm và làm sớm, chúng ta làm thông tuyến nhưng cân nhắc lại quy mô, có thể cắm quy hoạch toàn tuyến theo thiết kế, nhưng triển khai thì cân đối hài hòa.

Theo ông, trong dự án này, nếu chúng ta không cung cấp bảo lãnh (gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng)… thì tính khả thi trong việc huy động vốn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài có dễ dàng, trong điều kiện huy động vốn trong nước là không đơn giản?

Quốc hội chỉ thông qua chủ trương, còn những phương án cụ thể của từng giai đoạn sẽ phải trình Quốc hội xem xét, thảo luận cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có cơ sở để có thể huy động vốn.

"Lần này Quốc hội sẽ thảo luận kỹ về phân kỳ đầu tư để khai thác hiệu quả nhất tuyến đường. Và tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ xem xét thông qua về mặt chủ trương, còn các báo cáo khả thi và bản vẽ kỹ thuật từng tuyến một của cao tốc sẽ được đưa ra trình Quốc hội theo đúng luật ở các giai đoạn sau”.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư hơn 300 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 130 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư trung hạn đã bố trí được cho dự án là 55 nghìn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và phần thiết kế. Như vậy, so với tổng khái toán giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho cao tốc là khoảng 40%.

Như chúng ta đã biết, Quốc hội đang thảo luận để ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Chúng ta có tới 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, như các ý kiến thảo luận thì sẽ xử lý trong 5 năm, mỗi năm 120 nghìn tỷ đồng, nếu thu hồi được và đưa số tiền này lưu thông vào thị trường thì đây có thể coi là nguồn vốn hỗ trợ cho dự án. Chưa nói đến đầu tư nước ngoài, ta cứ tính đến 600 nghìn tỷ đồng tiền nợ xấu này đi đã, nếu thu hồi được thì nguyên khoản này đã đủ để hỗ trợ cho cao tốc Bắc - Nam rồi, vì cả dự án tính đến năm 2030 mới là 312 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, vừa qua, ngay trong tuyên bố chung tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm và cam kết sẽ tham gia đầu tư vào dự án đường cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam. Như vậy, chúng ta thấy rằng khả năng tài chính của dự án, tất nhiên là có khó khăn nhưng sẽ xử lý tốt.

8

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn 

Nhưng tính toán nguồn vốn dựa trên việc thu hồi nợ xấu liệu có quá lạc quan không, thưa ông, bởi ai dám chắc trong khoảng thời gian 5 năm tới, nợ xấu có thể lại phát sinh?

Chúng ta đừng nhìn mọi việc với chỉ một khía cạnh. Phải thấy rằng, nợ xấu trong thời gian qua hình thành ở một giai đoạn rất đặc biệt, nào là khủng hoảng của các tổ chức tài chính thế giới, thị trường khu vực bị biến động, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình hoàn thiện… Đến bây giờ, chúng ta đã có nghị quyết xử lý nợ xấu và có nghị quyết rồi thì phải làm được. Nếu nhìn lại Quyết định 254 của Chính phủ về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 thì lúc đó còn khó khăn hơn bây giờ nhiều mà ta vẫn làm được đấy thôi, vì sao lại không lạc quan?

Khi làm chính sách vĩ mô đúng là phải đặt ra nhiều tình huống nhưng chúng ta cũng phải tin còn nhiều yếu tố nội tại thuận lợi. Tôi cho rằng, có nhiều điều kiện thuận lợi để làm dự án này.

Cảm ơn ông!

Đại biểu Quốc hội lên tiếng

5

 

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội:

Lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực

Với nguồn vốn thực hiện dự án, chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp được. Việc đầu tiên là cố gắng tiết kiệm chi thường xuyên, vì hiện nay nguồn chi này của chúng ta rất lớn, mỗi năm tiết kiệm một ít cũng sẽ đóng góp một phần vô cùng quan trọng. Song song với đó, chúng ta phải chống cho được tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí và đầu tư không trọng điểm, đầu tư dàn trải…

Tôi rất ủng hộ việc đẩy nhanh tiến hành dự án đường cao tốc Bắc- Nam bằng cách huy động vốn ngoài Nhà nước bằng hình thức BOT và một số hình thức khác. Trong khi tiến hành theo hình thức BOT, cần cố gắng làm sao để chọn được nhà đầu tư có năng lực và tính toán để việc thu hồi vốn có chậm lại một chút cũng không ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đừng nên lựa chọn các nhà đầu tư theo cách đầu tư xong rồi nhanh chóng tìm cách thu hồi vốn, như vậy rất nguy hiểm.

6

 

ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM):

Hạ tầng đi trước - đất nước đi lên 

Hạ tầng đi trước - đất nước đi lên, vì thế, dự án cao tốc Bắc - Nam làm càng sớm càng tốt, mà không chỉ dự án này, kể cả dự án đường sắt cao tốc cũng vậy, nếu đủ nguồn lực thì nên làm càng nhanh càng tốt. Cái gì tiết kiệm thì tiết kiệm, còn riêng những thứ như hạ tầng xuyên suốt quốc gia không nên tiết kiệm, vì có cái đó đi trước, kinh tế mới phát triển được.

Theo tôi, phương thức huy động vốn theo hình thức PPP nên có cải tiến, cần tính xem khi làm dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam thì có hình thành các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh không, hay làm sao để có những khu công nghiệp, khu chế xuất, tận dụng lợi thế của địa phương? Nói cách khác, làm sao để những người bỏ tiền ra đầu tư họ có khả năng phát triển luôn những quy hoạch mới được hình thành.

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.