Xã hội

Vụ 39 người chết ở Anh: Liên quan đường dây đưa người Việt ra nước ngoài?

28/10/2019, 14:37

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho biết, vụ 39 người chết trong container ở Anh có thể liên quan đường dây đưa người Việt ra nước ngoài trái phép.

img
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa

Có thể là đường dây đưa người Việt Nam trái phép ra nước ngoài

Ngày 28/10, chia sẻ bên hành lang Quốc hội về vụ 39 người chết trong container ở Anh, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho hay, hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam gồm Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đang phối hợp với Đại sứ quán của Anh để sớm đưa ra thông báo, kết luận vụ việc.

Theo ông Nghĩa, vụ việc có thể liên quan tới đường dây đưa người Việt Nam trái phép ra nước ngoài.

"Tôi chưa nói là buôn lậu người, nhưng đây có thể là như vậy. Có lẽ trong điều kiện hiện nay thì các cơ quan chủ quản, đặc biệt Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an phải kết hợp với biên phòng quản lý chặt chẽ hơn nữa", ông Nghĩa cho biết.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội thực hiện tốt việc đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, thu được nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống người dân, tạo ra được đội ngũ lao động lành nghề. Tuy vậy, hiện có không ít người lợi dụng kẽ hở của chính sách để buôn người, xuất khẩu lao động trái phép. Các địa phương nên thông báo, khuyến cáo cho người dân lựa chọn những tổ chức được phép đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, cơ quan chủ quản phải tích cực quản lý những doanh nghiệp về địa phương để đưa người đi xuất khẩu lao động.

Ra nước ngoài trái phép thường mất tiền oan, thậm chí mất mạng

Liên quan đến vụ việc này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hợp lý hóa giấy tờ, thậm chí giả mạo hộ chiếu của một số đối tượng, doanh nghiệp để đưa người ra nước ngoài trái phép xảy ra từ trước đây rất nhiều. Trong đó, có nhiều đối tượng lợi dụng doanh nghiệp của mình để lừa đảo người dân, nhằm chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa lao động ra nước ngoài bất hợp pháp.

Theo đại biểu Phương, Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra nhiều cảnh báo và cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm việc quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, nhưng các đối tượng vẫn tìm cách để phạm pháp.

Ông Phương cho rằng, nguyên nhân là một số cá nhân, doanh nghiệp chỉ tính đến lợi ích của mình để tìm mọi cánh làm những điều bất hợp pháp, thu lợi nhuận. Có những trường hợp đã bị bắt và bị xử lý, nhưng vẫn có không ít trường hợp trót lọt và âm thầm hoạt động trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, việc nhận thức của người dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên. Theo đó, vì cuộc sống khó khăn, cần việc làm nên nhiều lao động ở nông thôn không hiểu được sự nguy hiểm, tác hại của việc này, dễ bị các đối tượng xấu lừa.

“Những năm gần đây, rất nhiều trường hợp người lao động ra nước ngoài làm việc theo con đường bất hợp pháp mất tiền oan, thậm chí bị đánh đập, mất mạng... Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu lao động, để người dân được xuất cảnh theo con đường chính thống, an toàn hơn”, Đại biểu Phương đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.