Điều tra

Vụ 39 người chết trong container: Bắt 8 đối tượng đưa người ra nước ngoài

04/11/2019, 11:48

Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây đưa người ra nước ngoài liên quan vụ 39 người chết ở Anh.

img
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu trả lời báo chí tại Quốc hội sáng 4/11

Bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép

Sáng 4/11, liên quan đến vụ 39 người chết trong container tại Anh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho biết, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án và ngày hôm qua (3/11) đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Ông Cầu cho biết, đến hôm qua (3/11), Nghệ An thống kê 24 trường hợp có thông tin bị mất tích. Tuy nhiên, cũng trong ngày, có 3 trường hợp đã điện về cho gia đình. Như vậy, Nghệ An nay có 21 người đang còn nghi vấn là mất tích.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An chủ động phối hợp với cơ quan Trung ương tập hợp danh tính, lấy vân tay của 21 người nghi vấn mất tích để phục vụ công tác giám định.

“Đây là sự việc đau lòng, thảm họa nhân đạo. Xin gửi lời chia buồn đến gia đình có người thân bị nạn! Từ 23/10, sau khi có thông tin ở Anh có 39 người chết, chúng tôi đã bắt đầu nắm tình hình và đến 27/10 đã xác định chuyên án để tổ chức điều tra”, ông Cầu nói.

Tướng Cầu cũng cho rằng tình trạng buôn người tại Việt Nam như Nghệ An chủ yếu xuất hiện ở địa bàn miền núi - nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức của người dân chưa cao, nên bị một số đối tượng môi giới, lừa đảo đi làm việc chỗ này chỗ kia sau đó bán họ sang chỗ khác.

Hoặc những đối tượng trước đây lấy chồng ở Trung Quốc, buôn bán sang Trung Quốc nay trở về Việt Nam dụ dỗ người thân của mình, thậm chí đến bản làng mình sinh sống để dụ dỗ người cả tin đưa sang Trung Quốc để bán.

Theo ông Cầu, thời gian qua Việt Nam đấu tranh rất tốt nên tình trạng phạm tội này chắc chắn trong thời gian tới giảm đi rất nhiều.

Đây không phải là vụ việc buôn người

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, vụ việc 39 người tử vong trong container xảy ra ở Anh, kết luận về tội danh gì do cơ quan chức năng bên Anh kết luận.

“Còn ở góc độ Việt Nam, theo tôi, hành vi này không phải hành vi buôn người, mà là hành vi tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại điều 349 Bộ luật Hình sự”, Thiếu tướng Cầu nói.

“Rõ ràng những người này đi đến nước thứ 2, thứ 3 để trốn sang Anh chứ không phải họ đi thẳng, bị buôn người từ Việt Nam đi, nên về mặt pháp lý, đây là hành vi tổ chức trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép”, ông Cầu nói.

Trước đó, thảo luận tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói vụ 39 người chết trong container tại Anh là vụ việc làm cả thế giới bàng hoàng. Đại biểu chia sẻ với gia đình các nạn nhân và thể hiện sự căm phẫn trước hành vi của bọn tội phạm buôn bán người.

Theo đại biểu Cường, trong vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan của Anh để xử lý. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra đường dây đưa người đi nước ngoài lao động trái phép.

Tuy vậy, về nguyên nhân, đại biểu Cường đề nghị "cần đánh giá tình hình một cách nghiêm túc, rút ra bài học để tránh những thảm hoạ tương tự".

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc, theo ông Cường là hành vi tội phạm của bọn buôn bán người gây ra, và có sự "hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước".

"Trước hết, nó nói lên rằng công tác quản lý nhà nước trong một số vụ việc chưa theo kịp thực tiễn. Mỗi năm chúng ta đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, điều này có nghĩa là số người đi lao động chui rất nhiều", ông Cường nói.

Theo ông Cường thì tội phạm mua bán người rất phức tạp, câu kết với nhiều chủ thể, hoạt động đa quốc gia, chúng dụ dỗ, lôi kéo các gia đình khó khăn, có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đưa họ vào những rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước.

Hiện trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng "công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết về chính quyền địa phương. Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chưa chặt chẽ. Công tác đấu tranh chống loại tội phạm buôn bán người, đưa người đi lao động "chui" còn chưa hiệu quả".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền địa phương làm tốt các công tác nêu trên, tổ chức thực hiện hiệu quả việc đưa người đi lao động ở nước ngoài đúng pháp luật.

"Phòng ngừa phải là chính, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người", đại biểu Cường phát biểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.