An ninh hình sự

Vụ 42 người nhiễm HIV: Xử lý thế nào nếu dùng chung kim tiêm?

14/08/2018, 17:06

"Đây là vụ việc phức tạp, gây hoang mang, lực lượng chức năng cần vào cuộc sớm làm rõ", luật sư Thơm nói

38963641_307289430048009_6374225079265394688_n

Luật sư đã đưa ra quan điểm dưới góc độ pháp lý vụ việc 42 người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ)

Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, đến tối 13/8, tổng số người nhiễm HIV - AIDS tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã lên tới 42 người và sự việc này diễn tiến nhanh trong khoảng 3 năm gần đây.

PGS. TS Vũ Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV - AIDS, Bộ Y tế cho biết, với một xã miền núi, dân số hơn 6.000 người trong đó có 42 người được phát hiện bị nhiễm HIV là con số tương đối cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác định được số người này mắc bệnh gần đây hay được tích lũy trong thời gian dài.

Thực tế, trong những người mới phát hiện, có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS rất nặng, trong khi đó, theo nguyên tắc thông thường, với nhiễm HIV để có thể phát hiện, phải mất ít nhất 3 tháng, và chuyển sang giai đoạn AIDS nặng phải mất 5 - 7 năm.

Dù đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa thể khẳng định được việc liệu có phải số người này bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm hay không? Tuy nhiên, nhiều người dân lại lo lắng, hoang mang, nghi ngờ có thể lại bắt nguồn từ sự việc mới xảy ra gần đây.

Theo tìm hiểu, sự việc bắt nguồn khi cách đây hơn 1 tháng, một người trung tuổi, quanh năm quanh quẩn ở nhà và chưa từng đi đâu xa trú tại khu Chiềng 3, xã Kim Thượng bất ngờ bị phát hiện nhiễm HIV. Người này cho biết trước đó chưa từng đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà y sĩ Th. (đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Sơn).

Người dân sau đó đã nghi ngờ có thể y sĩ Th. sử dụng bơm kim tiêm dành cho người nhiễm HIV sau đó không thay mà dùng tiếp để tiêm cho nhiều bệnh nhân khác. 

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc rất phức tạp, gây hoang mang lo lắng cho người dân nên cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các Cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc. 

"Để có căn cứ xác định bệnh nhân bị lây nhiễm HIV từ phòng khám của y sĩ Th. thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của y sĩ Th. tại nhà. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu qua đánh giá chuyên môn, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Hội đồng chuyên môn sẽ chuyển vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm để có căn cứ chứng minh y sĩ Th. trong quá trình tiêm đã làm lây nhiễm HIV cho những người khác thì cần thiết phải xác định các dụng cụ y tế mà y sĩ Th. sử dụng có virus HIV mà y sĩ đã không thay mới, tiếp tục sử dụng lại.

"Y sĩ Th. đã vi phạm quy định "Phòng khám không phép" theo Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh về điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Nếu có căn cứ xác định y sĩ Th. vô ý do cẩu thả đã không thực hiện đúng quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của ngành y đã là nguyên nhân dẫn tới làm nhiều người bị lây nhiễm bệnh HIV thì có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Tội phạm và hình phạt được quy dịnh tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Thơm cũng cho biết thêm, nếu trong trường hợp cán bộ thuộc Trung tâm y tế dự phòng Tân Sơn trong quá trình lấy máu xét nghiệm gây ra lây nhiễm khi sử dụng kim tiêm thì vẫn là hành động vô ý, cẩu thả dẫn đến sự việc và vẫn bị xử lý theo điều 315.

Tuy nhiên cả trẻ nhỏ và người già đều mắc bệnh này nên chắc chắn phải có một nguồn lây nhiễm nào đó. Để làm sáng rõ sự việc, tránh gây hoang mang dư luận thì cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn Bộ y tế cần vào cuộc khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, nguôn lây nhiễm HIV tại xã Kim Thượng.

"Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên cần phải có hậu quả do hành vi y sĩ gây ra cho các nạn nhân. Hậu quả tổn hại về sức khỏe của là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Trường hợp các nạn nhân bị lây nhiễm HIV cần phải giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe để làm căn cứ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Đối tượng gây lây nhiễm bệnh cho nhiều người với tỷ lệ tổn hại sức khỏe càng cao thì sẽ phải chịu chịu hình phạt càng lớn theo định khung tăng nặng tương ứng của điều luật", luật sư Thơm đưa ra quan điểm.

Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.