Thời sự Quốc tế

Vụ ám sát ông Abe là trường hợp tấn công bằng súng hiếm hoi tại Nhật Bản

Vụ tấn công bằng súng nhằm vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe là trường hợp hiếm hoi tại quốc gia kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt như Nhật Bản.

Hiếm hoi mới xảy ra bạo lực súng đạn

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị bắn dường như vào ngực hoặc vào cổ khi đang tham gia sự kiện vận động tranh cử cho Đảng Dân chủ Tự do ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản vào sáng 8/7.

Cảnh sát cho biết đã bắt nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, ngay sau khi sự việc xảy ra. Nghi phạm được cho là đã dùng một khẩu súng tự chế tấn công ông Abe. Truyền thông địa phương đưa tin Yamagami từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Đây là một trong những vụ tấn công bằng súng rất hiếm hoi tại Nhật Bản, quốc gia có dân số 127 triệu người nhưng số trường hợp tử vong mỗi năm liên quan tới súng đạn hiếm khi vượt quá con số 10.

img

Cảnh sát Nhật Bản hiếm khi dùng súng khi làm nhiệm vụ. Ảnh - Reuters

Ông Iain Overton, Giám đốc điều hành một tổ chức vận động tại Anh có tên Hành động về Bạo lực Vũ trang, cho biết “Nhật Bản có quy định kiểm soát súng rất nghiêm ngặt. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ban hành luật kiểm soát súng trên thế giới”.

Việc Nhật Bản hạn chế nghiêm ngặt súng đạn liên quan tới lịch sử của nước này.

Ứớc tính đến năm 2019, có khoảng 310.400 khẩu súng đuọc sở hữu trong dân thường ở Nhật Bản.

Sau Thế chiến II, chủ nghĩa hòa bình nổi lên như một trong những triết lý chủ đạo tại Nhật Bản. Cảnh sát chỉ bắt đầu mang theo súng cầm tay từ năm 1946 để đảm bảo an ninh. Từ năm 1958, luật pháp Nhật Bản cũng quy định không cá nhân nào có quyền sở hữu súng cầm tay và kiếm.

Chính phủ Nhật Bản đã dần nới lỏng luật cấm nhưng các quy định về kiểm soát súng tại quốc gia này vẫn hết sức nghiêm ngặt.

Muốn sở hữu súng phải thi viết, thực hành, kiểm tra sức khoẻ tâm thần

Nếu một công dân Nhật Bản muốn sở hữu súng, họ cần tham gia khóa học trong cả ngày, vượt qua bài thi viết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra tại trường bắn.

img

Vũ khí sử dụng trong vụ tấn công là súng tự chế

Ngoài ra, công dân Nhật Bản cũng cần vượt qua quá trình đánh giá về sức khỏe tâm thần được thực hiện tại bệnh viện và kiểm tra thân nhân khi cơ quan chức năng tìm hiểu về lịch sử phạm tội và phỏng vấn bạn bè, gia đình của người xin được sở hữu súng.

Công dân Nhật Bản cũng chỉ được phép mua một số loại súng nhất định và cứ 3 năm lại phải thực hiện lại các bài kiểm tra, đánh giá 1 lần.

Giới chức Nhật Bản cho rằng càng ít sử dụng súng thì càng ngăn chặn được các trường hợp tử vong liên quan tới loại vũ khí này.

Mỗi tỉnh chỉ được phép mở tối đa 3 cửa hàng bán súng. Người mua đạn bắt buộc phải nộp lại các băng đạn đã sử dụng hết và khi một chủ sở hữu súng qua đời, người thân của họ có trách nhiệm nộp lại súng. Do đó cả người dân và cảnh sát hiếm khi sử dụng súng.

Cảnh sát "xứ anh đào" cũng không được phép mang theo súng trong thời gian không làm nhiệm vụ. Khi đối đầu với nghi phạm, cảnh sát Nhật Bản thường kết hợp võ thuật và chỉ sử dụng súng trong các trường hợp bất khả kháng.

Nhiều chính trị gia như cựu Thống đốc Tokyo Masuzoe Yoichi cho rằng vì các vụ tấn công gây thương vong tại Nhật Bản thường chủ yếu là bằng dao và lực lượng an ninh thường tập trung vào các mối đe dọa tấn công bằng dao nên đây cũng có thể là nguyên nhân khiến lực lượng an ninh Nhật Bản dường như không để ý mối hiểm hoạ từ súng tự chế mà nghi phạm mang theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.