Thế giới

Vụ ám sát tư lệnh Iran dưới góc nhìn của tướng Mỹ David Petraeus

06/01/2020, 07:25

Vị cựu tướng Mỹ cho rằng, Iran đang ở trong tình hình kinh tế khó khăn, nội bộ lục đục do đó họ bị hạn chế trong phản ứng.

img
Cựu tướng Mỹ David Petraeus.

Vừa bước sang thềm năm mới 2020, tình hình chính trị thế giới đã nóng hừng hực vì căng thẳng ở khu vực Trung Đông sau khi một tướng lĩnh cấp cao của Iran chết dưới hỏa lực tên lửa của quân đội Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh này, giới bình luận chính trị thế giới đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau nguy hiểm đến mức có thể nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên, theo cựu tướng David Petraeus, người từng chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Iraq và Afghanistan, cựu Giám đốc Tình báo Trung ương, Iran sẽ bị hạn chế phản ứng vì tình hình “đang rất nhạy cảm” tại nước này.

Ý nghĩa hơn cả việc triệt hạ Osama bin Laden

Theo Foreign Policy, ông David Petraeus là người quá “quen mặt” với tướng Qassem Suleimani - Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, người bị tên lửa Mỹ bắn chết tại Baghdad, Iraq vào cuối tuần qua.

Dựa trên những kinh nghiệm chính trị và quân sự từng trải, ông Petraeus cho rằng, động thái mạnh tay này của Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý nghĩa hơn chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thậm chí là cái chết của thủ lĩnh Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi mà Mỹ từng thực hiện.

Theo vị tướng Mỹ, ông Suleimani là người đã xây dựng và chỉ huy nỗ lực của Iran nhằm thống nhất và kiểm soát vùng lưỡi liềm màu mỡ chủ yếu là người Hồi giáo theo nhánh Shia, trải dài từ Iran đến Iraq qua Syria và vào miền Nam Li-băng.

“Ông Suleimani là người có trách nhiệm cung cấp thuốc nổ, đạn pháo cùng nhiều loại vũ khí khác để thực hiện chiến dịch giết hại hơn 600 binh lính Mỹ cùng nhiều binh lính của Iraq và các đồng minh của Mỹ tại Iraq cũng như nhiều nước khác như Syria. Do đó, cái chết của Suleimani có ý nghĩa rất lớn”, tướng Petraeus nói.

Trước ông Donald Trump, đã có 2 chính quyền Mỹ cân nhắc tới hành động ám sát này nhưng cuối cùng đã bỏ qua. Sở dĩ, lần này ông chủ Nhà Trắng quyết hành động có thể là vì đây là cách ý nghĩa nhất cho thấy Mỹ không đứng yên để cho phép bạo lực tiếp diễn gây tổn hại tới lợi ích của Washington (như các động thái tấn công căn cứ của Mỹ, tấn công tàu thuyền, máy bay không người lái…) mà không có động thái.

Vì sao Iran bị hạn chế lựa chọn trả đũa?

img
Ông David Petraeus.

Bình luận về phản ứng của Iran cũng như kịch bản có thể xảy ra trong tương lai, vị cựu tướng Mỹ cho rằng, Iran đang ở trong tình hình kinh tế khó khăn, nội bộ lục đục do đó họ bị hạn chế trong phản ứng.

Bỏ ngỏ khả năng Iran sử dụng vũ lực, ông Petraeus đưa ra một số lựa chọn phản ứng khác cụ thể hơn như Iran có thể thực hiện hành động trong vùng Vịnh, Eo biển Hormuz thông qua các quốc gia ủy nhiệm của họ trong khu vực và ở các lục địa khác nơi lực lượng Quds có hoạt động.

Song, nếu đặt giả thuyết Iran dùng vũ lực để trả đũa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị gì để bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực Trung Đông. Ông Petraeus cho biết: “Mỹ đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm tăng cường phòng thủ trên không trong khu vực cùng năng lực tấn công trong khu vực. Lầu Năm Góc đã cân nhắc một số hậu quả có thể xảy ra và đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu rủi ro”.

Mặt khác, xét về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan hệ này vốn đã rất xấu sau khi Mỹ gây áp lực tối đa làm tê liệt nền kinh tế Iran, coi Lực lượng Phòng vệ Cách mạng Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố và nay là vụ ám sát tướng lĩnh cấp cao, nên trong tương lai Mỹ càng khó có thể đưa Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Theo cựu tướng Petraeus, Mỹ chỉ còn quân bài duy nhất có thể khiến Iran ngồi lại đó là tháo bỏ các lệnh trừng phạt đang bủa vây quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.