Điện ảnh

Vụ bán hãng phim giá rẻ: Không liên quan đến "đất vàng"?

10/05/2016, 16:18

“Không hiểu mọi người lấy cơ sở ở đâu để cho rằng chúng tôi bán đổ, bán tháo hãng phim".

Trụ sở cũ nát của Hãng phim truyện Việt Nam tại số

Trụ sở cũ nát của Hãng phim Truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội

Bộ VH,TT&DL đã trả lời về quá trình cổ phần hóa (CPH) Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) và câu hỏi dư luận xung quanh những thắc mắc về chuyện bán cổ phần cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

“Không CPH thì chỉ có… phá sản”

Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, hiện Bộ VH,TT&DL có 5 doanh nghiệp điện ảnh gồm: Hãng phim Truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hoạt hình, VFS và Hãng phim Khoa học tài liệu T.Ư. Hãng phim Khoa học tài liệu T.Ư không được Chính phủ đồng ý cho CPH vì đây là doanh nghiệp đặc thù nên giữ là “Công ty TNHH một thành viên” với 100% vốn Nhà nước.Ba đơn vị khác là Hãng phim Truyện 1, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hoạt hình, dù kêu gọi CPH nhưng cũng không ai ngó ngàng tới.

Riêng với VFS cũng đã có kế hoạch CPH theo chủ trương của Nhà nước từ lâu nhưng nhiều đơn vị đến rồi lại đi, chỉ có duy nhất Công ty Vivaso, đến phút chót đã dám mua hãng phim. Việc CPH VFS Nhà nước chiếm 20%, còn lại nhà đầu tư chiến lược chiếm 80%.

“Chúng tôi rất thận trọng trong việc CPH lĩnh vực điện ảnh. CPH là chấp nhận những luồng dư luận. Tuy nhiên, không CPH thì VFS chỉ còn cách… phá sản. Để thương hiệu của cả một ngành Điện ảnh Việt phá sản thì đau lòng lắm”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Vì thế, để đảm bảo Vivaso vận hành VFS đúng chức năng là một hãng phim truyện, Bộ VH,TT&DL đã đặt ra các điều kiện ràng buộc. Trong đó, có 7 cam kết mà nhà đầu tư chiến lược bắt buộc phải thực hiện để “trụ” được là: Cam kết với Nhà nước, Bộ VH,TT&DL 90% doanh thu doanh nghiệp CPH phải từ phim chứ không từ mặt hàng khác; Cam kết trả tiền thuê đất VFS nợ; Cam kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc làm phim; Cam kết tuân thủ phương pháp sử dụng đất sau CPH để phục vụ sản xuất phim; Cam kết sử dụng toàn bộ số lao động của hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; Cam kết sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ CPH đầu tư sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất, trả nợ, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Cam kết cử người vào Hội đồng gồm: một người trong hội đồng quản trị, một người trong Ban giám đốc và một người trong Ban kiểm soát.

Tài sản của VFS giá bao nhiêu?

Ông Trần Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính cho biết, việc định giá VFS do một đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính thẩm định. Theo cách định giá của đơn vị này, giá trị lợi thế kinh doanh của VFS bằng 0.

Đại diện Bộ VH,TT&DL cho biết, VFS có bốn địa điểm. Trong đó, số 4 Thụy Khuê, Hà Nội có diện tích 5.443,5 m2, số nhà ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội có diện tích 904,9 m2. Mảnh đất ở Đông Anh - tức trường quay Cổ Loa, Hà Nội có diện tích 6.382,8 m2, cuối cùng là mảnh đất tại số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP HCM - 1.208,72 m2. Bốn mảnh đất này đều là đất thuê của Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định 59/2011, đất thuê của Nhà nước không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

“Khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa, nâng cấp nên nói Vivaso mua VFS chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ. Ngoài ra, mảnh đất ở số 6 Thái Văn Lung cũng đang trong diện tranh chấp”, ông Hoàng nói thêm.

Trả lời về việc có nhiều ý kiến cho rằng Hãng phim Truyện Việt Nam bị “bán đổ bán tháo”, ông Hoàng cho rằng: “Không hiểu mọi người lấy cơ sở ở đâu để cho rằng chúng tôi bán đổ, bán tháo hãng phim. Chúng tôi có quy trình định giá đàng hoàng, minh bạch. Mọi người nên hiểu rằng, khu đất “vàng” mà hãng phim đang sử dụng là đất thuê, cho nên khi định giá không thể tính cả giá trị khu đất đó vào được. Kể cả nhà đầu tư chiến lược sau này hoạt động tại đây, họ cũng phải trả tiền thuê. Tất nhiên, dưới sự bao cấp của Nhà nước trước kia, VFS được thuê với giá ưu đãi, khi CPH chắc chắn giá sẽ phải cao hơn”.

Ông Trần Hoàng khẳng định: “Những cam kết nếu không được thực hiện sẽ được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo chế tài. Trong đó, nếu vấn đề sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ VH,TT&DL sẽ đề nghị thu hồi quyền sở hữu đất. Ở điều khoản này đã có những quy định hết sức ngặt nghèo”.

Về kho đạo cụ được đánh giá rất có giá trị gồm súng từ thời giải phóng Điện Biên, giải phóng Sài Gòn, ông Trần Hoàng cho biết: “Chúng tôi đã liệt kê, kho đạo cụ có súng từ thời tiếp quản Thủ đô… rất có giá trị về tinh thần và vật chất nhưng không xác định được giá trị do không có đơn giá. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng… để xác định giá trị cũng như xác định đơn vị sử dụng. Sau khi xác định giá trị lần 2, tài sản đó sẽ được tính vào vốn của Nhà nước”.

Được biết, hiện tại VFS có 325 bộ phim. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, phim của tất cả hãng phim đều là phim đặt hàng của Nhà nước. Theo quy định của Luật Bản quyền, công ty không có bản quyền những bộ phim này. Bản gốc của những bộ phim này đều đang được lưu giữ ở Viện Phim Việt Nam và thuộc bản quyền của Nhà nước, vì kinh phí đều do Nhà nước đầu tư, đặt hàng. Nếu đơn vị mới, đang giữ bản sao các bộ phim, có nhu cầu khai thác đều phải xin phép Bộ VH,TT&DL.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.