Thời sự Quốc tế

Vụ cảnh sát Mỹ chẹn cổ người da đen tử vong có phải phân biệt chủng tộc?

31/05/2020, 10:38

Chưa có cơ quan nào của Mỹ cáo buộc hay phán xét cảnh sát Derek Chauvin phân biệt chủng tộc khi làm nhiệm vụ.

img
Nạn nhân George Floyd và nhân viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin.

Chưa có cơ quan chức năng nào của Mỹ cáo buộc hay phán xét cảnh sát da trắng Derek Chauvin (người đã chẹn cổ người da đen có tên George Floyd đến chết khi đang làm nhiệm vụ duy trì trật tự pháp luật) là “phân biệt chủng tộc” nhưng các cuộc biểu tình phát sinh từ vụ việc này lại có hơi hướng sắc tộc rõ rệt bởi phần đông những người biểu tình đều là những người da màu như George Floyd.

Trong vụ việc khiến nạn nhân George Floyd (người bị nghi là đã say rượu, dùng tiền giả trước khi bị cảnh sát khống chế) tử vong, nhân viên cảnh sát Derek Chauvin cùng 3 cộng sự khác bị sa thải.

Riêng Derek Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát, trong khi 3 sĩ quan khác liên quan đến vụ việc đã bị cách chức. Không có cáo buộc nào chống lại Chauvin liên quan đến các lời nói và hành vi phân biệt chủng tộc.

Thẳng thắn mà nói, có rất nhiều trường hợp cảnh sát Mỹ ngộ sát khi thi hành công vụ, đặc biệt là ở một xã hội tương đối tôn trọng quyền tự do cá nhân, khi bất cứ ai đủ điều kiện về tuổi, năng lực hành vi đều có thể sở hữu súng đạn.

Đó là chưa kể là trong thực tế cũng có nhiều vụ việc cảnh sát bị người vi phạm bắn chết khi họ đang làm nhiệm vụ.

Về thân thế của nạn nhân George Floyd, theo các tài liệu của tòa án, Floyd bị buộc tội cướp có vũ trang vào năm 2007. Floyd bị xử 5 năm tù giam và được thỏa thuận về nhận tội để nhận án phạt thấp hơn vào năm 2009.

Lệnh bắt giữ được thực thi và những buộc tội của tòa án trong trường hợp này là tương đối sát với những gì mà nhân viên công lực Derek Chauvin đã gây ra. Tuy nhiên, những người biểu tình không hài lòng với các hình phạt từ tòa án, họ yêu cầu phải tuyên Chauvin hình thức tử hình để đền tội dù thiếu căn pháp lý đủ mạnh cho việc này.

Phần đông những người tức giận, tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ George Floyd đều là những người da màu (cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ). Tất nhiên, trong số những người biểu tình cũng có những kẻ quá khích hoặc lợi dụng tình hình để thực hiện các hành vi cướp phá trái pháp luật.

Các cuộc biểu tình nổ ra trong ba ngày liên tiếp, bùng phát từ thành phố Minneapolis sau đó lan sang thủ phủ của bang Minnesota, gần 200 cơ sở kinh doanh, tòa nhà ngân hàng, trụ sở cảnh sát ở tiểu bang này đã bị đốt phát.

Những đám đông sau đó cũng tụ tập quanh khu vực Nhà Trắng ít nhất 2 lần khiến cho vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đáng chú ý, hỗn loạn nổ ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, các tiểu bang mới đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình tái mở cửa trở lại nền kinh tế.

Rõ ràng, cuộc sống của của cộng đồng người da mau vốn đã bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nay lại càng thêm lý do để bức xúc.

Càng đáng chú ý hơn nữa là vụ việc gây bức xúc trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi này lại xảy ra vào thời điểm nước Mỹ đang tiến gần tới cuộc bầu cử, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Đây cũng là cơ hội mà các đối thủ của Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng Hòa tận dụng thời cơ bởi cộng đồng người Mỹ gốc Phi vốn thường có truyền thống ủng hộ phe Dân Chủ.

Sau khi Tổng thống Trump kêu gọi sử dụng vũ lực để ngăn chặn biểu tình quá khích và nạn cướp phá đi kèm – hành động mà có lẽ là bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ phải cân nhắc để đảm bảo trật tự cần thiết đối với xã hội, ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden đã lập tức lên tiếng công kích các tuyên bố của ông Donald Trump.

Cảm thông với nạn nhân George Floyd

George Floyd, người tử vong trong vụ việc vẫn đang gây bức xúc, là một người da đen 46 tuổi, được bạn bè hay gọi với biệt danh "Big Floyd", trước khi xảy ra vụ việc, anh đã chuyển đến sống ở Minneapolis để tìm việc làm sau khi mãn hạn tù.

img
Hình ảnh Floyd bị viên cảnh sát ghì đầu gối lên cổ được một người dân ghi lại (ảnh chụp màn hình)

George Floyd sinh trưởng ở Bắc Carolina và từng sống ở Houston, bang Texas khi còn trẻ. Theo người bạn lâu năm của Floyd có tên Christopher Harris, George Floyd là cha của một bé gái 6 tuổi đang sống ở Houston với mẹ (Roxie Washington).

Cô Roxie Washington chia sẻ với tờ Houston Chronicle rằng, “Floyd là một người cha tốt” khi cặp đôi cùng nhau nuôi dạy con gái Gianna. Cái chết của George Floyd khiến bạn gái hiện tại của anh - cô Courteney Ross vô cùng đau khổ.

"Anh ấy yêu thành phố Minneapolis. Anh ấy đến từ Houston và ở lại đây vì con người và những cơ hội ở đây" - bạn gái anh chia sẻ với báo Star Tribune.

Theo người thân của George Floyd, anh ta là một vận động viên tài năng, đặc biệt xuất sắc trong bóng đá và bóng rổ ở trường. Một bạn học cũ của ông Floyd có tên Donnell Cooper, nói rằng người đàn ông xấu số vừa qua đời có tính cách trầm lặng và bản chất hiền lành.

Roxie Washington cho hay, Floyd bỏ học và theo đuổi con đường âm nhạc với nhóm hip-hop Screwed Up Click. Sau khi chật vật tìm việc ở Houston, George Floyd rời thành phố đến Minneapolis. Tại đây, Floyd đã làm hai công việc cùng lúc gồm lái xe tải và bảo vệ tại nhà hàng Conga Latin Bistro.

Hôm 25/5, người đàn ông da màu này bị cảnh sát Derek Chauvin quật ngã xuống đất khi bị bắt với cáo buộc sử dụng tờ tiền 20 USD giả trong một cửa hàng. Đoạn video về vụ bắt giữ cho thấy Floyd nói rằng mình không thể thở được trước khi nhìn thấy được đưa lên cáng và đưa vào xe cứu thương.

Floyd và cảnh sát Chauvin từng cùng làm thuê ở quán bar

Một chi tiết khác ngoài lề, rất đáng chú ý trong vụ việc này được báo chí Mỹ phát hiện là, chính nhân viên cảnh sát Derek Chauvin đã có thời điểm cùng làm chung nhiệm vụ với nạn nhân George Floyd.

Một nữ chủ quán bar nay đã ngừng kinh doanh El Nuevo Rodeo ở Minneapolis nói rằng, cả George Floyd và Derek Chauvin từng được thuê bảo đảm an ninh tại cơ sở của bà cùng lúc.

Bà Maya Santamaria chia sẻ với đài truyền hình KSTP-TV rằng, viên cảnh sát Derek Chauvin làm việc thêm giờ ở câu lạc bộ. Bà cũng không rõ hai người có biết nhau không nhưng có lúc họ làm việc trong cùng một đêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.