Xem - ăn - chơi

Vụ “cấp phép Quốc ca”: Thông tư “vênh” nghị định

24/05/2017, 15:12

Việc Cục NTBD công bố thêm 300 bài hát ra đời trước 1975, bao gồm bài Quốc ca đã vấp phản ứng mạnh mẽ.

vietnam-que-huong-toi-164954

Việc Cục NTBD công bố thêm 300 bài hát ra đời trước 1975, bao gồm bài Quốc ca đã vấp phản ứng mạnh mẽ.

Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố thêm 300 bài hát ra đời trước năm 1975,  có bao gồm cả bài Quốc ca (hay Tiến quân ca) đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Khi tìm hiểu rõ sẽ phát sinh một vấn đề, đó là các văn bản quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975 chưa đồng nhất.

Cụ thể, Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 ghi rõ: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm, phải thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản”.

Theo đó, đối tượng cần đưa vào diện quản lý chặt là “các nhạc phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài”. Điều này vốn không sai do lịch sử đất nước có nhiều vấn đề nhạy cảm.

Song, đến Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/01/2013 hướng dẫn thực hiện việc cấp phép phổ biến những bài hát này, thì lại chỉ ghi: “Về việc cho phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975”. Cụm “tại các tỉnh phía Nam”, vốn cực kì quan trọng, đã mất tích.

Chính sự thay đổi khó hiểu này dẫn tới việc hàng trăm nhạc phẩm cách mạng ra đời trước năm 1975, vô tình bị gộp chung vào diện cần “sờ nắn” với những ca khúc bên kia chiến tuyến. Trớ trêu thay, trong đó có cả Tiến quân ca, chính là bài Quốc ca bây giờ. 

Trao đổi về sự vênh nhau khó hiểu này, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho hay: “Khi mà nơi chuẩn bị thảo nghị định muốn tăng quyền cho mình, thì họ thêm bớt như vậy. Cái đó chỉ là một thủ thuật để mở rộng quyền hạn. Sửa cái cũ thì tạo ra cái mới, khép hơn về cơ chế, tạo quyền cho người quản lý. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng vấn đề là hệ thống xem xét, thẩm định đánh giá nhiều khi chưa chú ý đến những cái đó. Thành ra thủ thuật này luồn lách qua được”.

Có ý kiến cho rằng, Quốc ca là tài sản Nhà nước, đòi cấp phép Quốc ca tương đương với xâm phạm tài sản quốc gia, vi phạm pháp luật. Ông Lê Hồng Sơn cho rằng: “Các bài hát là sản phẩm tinh thần, tinh hoa của chúng ta. Nhưng nói là tài sản của quốc gia cũng chỉ là một cách suy luận thôi. Chỉ có điều những bài hát phổ biến như thế thì không ai đi cấp phép cả”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.