Thế giới

Vụ chặt đầu nhà báo: Nhiều thanh niên Anh ảo tưởng hào quang thánh chiến

21/08/2014, 19:47

Anh quốc một lần nữa phải tự nhìn lại và đối đầu với vấn đề vì lý do nào đó Anh đang dần trở thành nước xuất khẩu các chiến binh thánh chiến.

Trong bối cảnh các chuyên gia nhận định nhiều khả năng giọng của chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL) chặt đầu nhà báo người Mỹ là giọng Anh, điều này buộc Anh quốc một lần nữa phải tự nhìn lại và đối đầu với vấn đề vì lý do nào đó Anh đang dần trở thành nước xuất khẩu các chiến binh thánh chiến.

Hình ảnh phiến quân ISIL chuẩn bị cắt đầu nhà báo người Mỹ
Hình ảnh phiến quân ISIL được cho là người Anh chuẩn bị hành quyết nhà báo người Mỹ

500 người Anh đang chiến đấu tại Syria và Iraq

Đoạn video được công bố ngày 19/8 vừa qua đã khiến nước Anh phải lo lắng tự hỏi, trên đường phố Anh lúc này có bao nhiêu người có khả năng sẽ trở thành chiến binh thánh chiến và liệu những chiến binh quay về từ Iraq và Syria có mang theo cả bạo lực về nước Anh.  

Tháng 6 vừa qua, ông Richard Barrett – người đứng đầu đơn vị chống khủng bố tại Cơ quan an ninh nước ngoài M16 từng tiết lộ, số lượng người Anh sang chiến đấu tại Syria và Iraq “đến nay có thể tăng lên con số 500”.

Trước thông tin kẻ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley có thể là người mang quốc tịch Anh, Thủ tướng Anh David Cameron đã hủy 1 chuyến công tác và trở về Dinh thủ tướng giải quyết vấn đề này. Phát ngôn viên Thủ tướng cho biết, “ông Cameron sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Anh, các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan để bàn về tình hình tại Iraq và Syria cũng như mối đe dọa khủng bố từ ISIL”.

Ảo tưởng về hào quang tử vì đạo

Theo nhiều chuyên gia, những nam thanh niên của Anh sa đà vào tay của các tổ chức thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo (IS) thường vì họ cảm thấy mình bị xa lánh. Những cảm xúc này bén rễ từ nguồn gốc của họ - những người thuộc đời thứ 2 hoặc thứ 3 của các gia đình nhập cư hoặc họ thất vọng về kinh tế nghèo nàn trong khi mù quáng với ánh hào quang giả tạo từ các triết lý tử vì đạo của các chiến binh thánh chiến.

Bà Erin Marie Saltman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện chính sách Quilliam chống chủ nghĩa cực đoan cho hay, “đó là những người phải trải qua khoảng thời gian khó khăn, đặc biệt trong thế giới đang toàn cầu hóa - nơi những cá tính ngày càng dễ bị thay đổi. Rất nhiều người dễ bị tác động bởi những lời hứa hẹn tử vì đạo, rằng họ là một nhân vật anh hùng đang góp phần “cứu thế giới”.

Mặt khác, bà Salman cho biết, nếu thực sự kẻ giết nhà báo Foley là người Anh thì đó không phải dấu hiệu cho thấy những chiến binh thánh chiến người Anh dã man hơn những người đến từ các nước khác. Hơn hết, việc sử dụng người Anh ra tay hành quyết một người Mỹ là nhằm mục đích tuyên truyền. Đây là ý đồ được cân nhắc rất kỹ lưỡng – bà Salman nhấn mạnh.

Trang Trần (Theo AFP)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.