Quản lý

Vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Nam: Vì sao tàu cao tốc thiết kế “bít kín”?

28/02/2022, 19:29

Nếu tàu cao tốc thiết kế hở, không kín, khi chạy tốc độ cao, sóng, gió sẽ đánh lên khoang hành khách, gây nguy hiểm đến tính mạng...

Nhiều ý kiến trái chiều

Chiều 26/2, tàu cao tốc biển số QNa-1152 chở 36 khách du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An) trên hành trình về Cửa Đại bất ngờ bị tai nạn chìm đắm, làm 17 người chết và mất tích.

Thời điểm xảy ra tai nạn, phía trước và phía sau tàu bị nạn đều có các tàu cao tốc khác lưu thông, song không cứu nạn kịp thời được tất cả nạn nhân. Một số ý kiến cho rằng, do phương tiện đóng theo dạng mui kín, "bít kín" nên khi xảy ra sự cố, nhiều nạn nhân khó thoát được ra ngoài.

img

Phương tiện bị nạn có phần mũi bị vỡ

Ngư dân Trần Văn Minh (trú phường Cửa Đại) cho biết, thời điểm tàu cao tốc bị lật chìm, có nhiều tàu khác đang chạy trước và sau, nếu hành khách không bị "nhốt" trong khoang kín (sau khi úp), rất có thể họ đã trồi lên mặt biển. Từ đây, các tàu bạn sẽ dễ dàng phát hiện và ứng cứu.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An, trên tuyến đường thủy Hội An - Cù Lao Chàm từng xảy ra 4 vụ tai nạn, nhưng các vụ trước đó đều thương vong rất ít. Như vụ tai nạn năm 2011, việc cứu nạn thành công giúp hạn chế tối đa thương vong.

img

Từ năm 2018 đến nay, Hội An (Quảng Nam) có hơn 100 tàu cao tốc phục vụ du lịch, có thiết kế mui kín, với lối thoát hiểm ở hai đầu phương tiện.

"Thực tế cho thấy với những tàu cao tốc đóng kín rất khó khăn cho công tác cứu hộ. Nếu tàu hở như ca nô trước đây, nạn nhân có thể bơi thoát lên trên mặt nước. Còn ở đây, khi chúng tôi đến hiện trường cứu nạn, các nạn nhân đều tử vong ở ngay trong khoang tàu. Thực tế là số người kịp nhảy ra khỏi con tàu này đều được cứu hết, kể cả trẻ em", ông Sơn nói.

Ngược lại, luồng ý kiến khác cho rằng, tàu cao tốc chở khách chạy trên biển phải đảm bảo tính kín gió, kín nước, nếu không khi chạy sẽ bị sóng nước tràn vào gây nguy hiểm.

“Cần bổ sung quy định hạn chế, giảm số lượng khách trên tàu khi có sóng gió lớn, không phải vấn đề mui kín hay hở”, một ý kiến nêu.

img

Tàu cao tốc hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh

Tuân thủ quy định của Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc

Liên quan đến vấn đề trên, Cục Đăng kiểm VN cho biết, ngoài tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, hiện trên toàn quốc có nhiều tuyến vận tải khách ven biển bằng tàu cao tốc và đều có cấu hình dạng mui kín, lối thoát hiểm ở phía hai đầu phương tiện.

Cấu hình của cabin tàu cao tốc chở khách bắt buộc phải kín, nếu không sẽ gây mất an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành. Đây là cấu hình tuân thủ theo quy định của Bộ Luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy.

Trước những ý kiến đề xuất sửa đổi thiết kế tàu theo dạng mui hở, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải cho biết: “Khi quốc tế xây dựng Bộ Luật an toàn về tàu cao tốc đã dựa trên đánh giá tất cả các rủi ro để từ đó đề ra phương án thiết kể. Kể cả rủi ro xảy ra trong khai thác, cứu nạn cũng được nhận dạng, thiết kế bộ. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung cần có sự đánh giá, rà soát và phải tuân theo chuẩn quốc tế về tàu cao tốc”.

“Nếu tàu không có mui kín, khi tàu chạy có gió, sóng đánh lên khoang hành khách. Trong khi khoang hành khách thấp hơn boong tàu nên nước sẽ đọng lại trong khoang dẫn đến bị mất ổn định phương tiện, gây mất an toàn cho chính phương tiện.

Thứ hai, khi phương tiện không kín, sóng gió đánh lên khoang hành khách gây nguy hiểm đến tính mạng khách. Khách trên tàu không chỉ có người trưởng thành, khỏe mạnh bình thường mà còn có cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người khuyết tật”, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN giải thích.

Ông Hải cho biết thêm, trước năm 2018, các tàu cao tốc tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm là loại tàu sông cấp SI và địa phương đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn để nâng cấp thành cấp SB (pha sông biển) như hiện nay để nâng cao tính an toàn.

Trong khi đó, ông Mai Bá Lĩnh, chuyên viên Vụ Khoa học - công nghệ, Bộ GTVT cho biết, loại tàu cao tốc mui kín hoạt động từ lâu nay, chứng tỏ có tính ổn định cao, không phải do phương tiện mất an toàn. Vì vậy, cần đánh giá an toàn qua nhiều yếu tố như điều khiển, vận hành, luồng tuyến… không thể chỉ từ góc độ phương tiện.

Ông Lê Ngọc Tú, Phó phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm, các nước, tổ chức đăng kiểm trên thế giới đều quy định tàu cao tốc chạy ven biển là mui kín. Lý do là quy chuẩn của các quốc gia đều được xây dựng trên “căn cứ gốc” là Bộ Luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc.

Ngoài cấu hình, kết cấu, vật liệu cũng phải dựa trên chuẩn quốc tế. Đơn cử, tiêu chuẩn kính ca bin hay kính cửa sổ tàu cao tốc phải loại kính đàn hồi, để kể cả khi thân tàu bị biển dạng (bị vặn do sóng gió, sóng đánh), cũng không bị vỡ dạng hạt (như kính ô tô) để tránh gây sát thương.

“Tàu cao tốc mui kín hoạt động từ nhiều năm nay và đang phổ biến ở các tuyến vận tải ven biển. Sau vụ tai nạn xảy ra ở Quảng Nam, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, chúng tôi sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về phương tiện thủy cao tốc, nếu có gì chưa hợp lý sẽ nghiên cứu, sửa đổi”, theo ông Tú.

Khách đi tàu cao tốc có phải mặc áo phao suốt hành trình?

Một số ý kiến cho rằng, thiết kế tàu cao tốc chở khách mui kín, lối thoát hiểm chỉ có hai đầu khiến chật chội và khó thoát hiểm; trong khi khách phải mặc áo phao, khi nước tràn vào, áo phao khiến người mặc nổi lên, càng khó thoát.

Theo Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện chỉ yêu cầu phương tiện trang bị đủ phao, áo phao và để ở chỗ hành khách dễ lấy nhất, chứ không bắt buộc phải mặc.

Vì vậy, việc vận hành phương tiện, hướng dẫn và hỗ trợ hành khách trong các tình huống xấu có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an toàn, cứu nạn hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.