Pháp luật

Vụ đầu độc cá ở Hải Dương: Chủ mưu "làm từ thiện” 146 triệu đồng(?!)

17/06/2020, 06:28

Nhờ công an đưa 146 triệu đồng cho chủ ao cá bị đầu độc, người bị tình nghi là chủ mưu cho rằng, đây là số tiền mình “làm từ thiện”!...

img
Ông Luân rất mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra kẻ đã đầu độc chết gần 2 tấn cá tại ao nhà mình

Vì sao chủ ao cá nhận tiền rồi vẫn kiện?

Báo Giao thông số ra ngày 15/6 đăng bài “Kỳ lạ đình chỉ điều tra vụ đầu độc cá” phản ánh việc đầm nuôi cá ở xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương của ông Phạm Hữu Luân (trú thôn Hà Tràng, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị đầu độc chết. Công an huyện Nam Sách đã khởi tố vụ án để điều tra, nhưng sau đó bất ngờ gọi ông Luân lên trao số tiền 146 triệu đồng và làm giấy biên nhận là tiền khắc phục dân sự của ông N.D.L. (trú cùng thôn Hà Tràng). 3 ngày sau khi ông Luân nhận tiền, Công an huyện Nam Sách ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì “không tìm thấy bị can”.

Lý giải việc “đã nhận tiền đền bù, sao vẫn khiếu kiện”, ông Luân cho biết: “Số lượng cá bị chết của tôi khoảng hơn 2 tấn, số tiền đền bù 146 triệu đồng là phù hợp với thiệt hại. Tôi cũng chẳng muốn làm to chuyện làm gì, nhưng sau khi nhận đền bù, người ta lại tiếp tục chèn ép tôi quá”.

Theo các tài liệu mà PV có, khu đầm ao cá mà ông Luân đang sở hữu trước đây là đất nuôi trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản của bà con thôn An Điền, xã Cộng Hòa. Trước năm 2013, khu đất, đầm nuôi thủy sản này do ông Luân ký hợp đồng nhận khoán với người dân.

Từ năm 2013 - 2018, một phần khu đất này lại được ông N.D.L. ký hợp đồng nhận khoán. Sau hợp đồng 5 năm, tới năm 2018, ông Luân lại ký hợp đồng chuyển nhượng của 137 hộ dân, được sự xác nhận của UBND xã Cộng Hòa. Tuy vậy, ông N.D.L. vẫn không chịu trả lại phần đầm cá này cho ông Luân dẫn tới tranh chấp kéo dài mà nói như ông Luân là “không nhìn mặt nhau”.

Tới ngày 11/9/2019, ao cá của ông Luân bị đầu độc chết. Ông Luân nghi ngờ thủ phạm đánh bả ao cá là ông L.

146 triệu đồng là… từ thiện(?)

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông N.D.L. cũng xác nhận giữa ông và ông Luân có tranh chấp về đầm nuôi cá, nhưng phủ nhận mình có liên quan đến vụ việc đầu độc đầm nuôi cá của ông Luân.

Ông L. cũng xác nhận việc ông gửi 146 triệu đồng cho công an để nhờ chuyển cho ông Luân, tuy nhiên, ông L. khẳng định “đó là tiền từ thiện”. “Anh bảo thôi nó cứ vướng mắc, kiện cáo nhau thì anh em anh ở giữa, ít nhiều thì phải liên quan đến anh”, ông L. giải thích việc “bỗng nhiên” gửi “tiền từ thiện” cho ông Luân, đồng thời khẳng định: “Anh từ thiện thì anh phải biết chứ. Tiền này là của anh chứ của ai. Anh ở ngoài anh cũng cho người ta nhiều. Lúc nó (ông Luân - PV) nhận tiền từ công an thì nó cũng viết biên bản là tất cả việc này giao cho pháp luật, gia đình không có kiện cáo gì cả. Trong giấy tờ, Công an huyện vẫn giữ”.

Trước thông tin ông N.D.L. nói đây là tiền từ thiện, ông Luân bức xúc: “Không nhìn mặt nhau sao lại gửi tiền từ thiện, quá phi lý”.

Theo luật sư Vũ Văn Biên (Văn phòng luật sư An Phước) phân tích, giấy biên nhận tiền ngày 11/4/2020 của ông Luân ghi rõ số tiền 146 triệu đồng là tiền khắc phục dân sự đối với vụ cá chết ngày 11/9/2019. “Chỉ những người gây thiệt hại mới có nghĩa vụ phải khắc phục dân sự. Nếu ông N.D.L. đưa tiền cho ông Luân để từ thiện thì tại sao nội dung giấy biên nhận lại là tiền khắc phục dân sự? Hơn nữa, được biết, giữa ông L. và ông Luân đang có sự mâu thuẫn đến mức không thể ngồi với nhau được thì làm sao có chuyện “từ thiện” ở đây?”, luật sư Biên nêu vấn đề và cho rằng, biên bản nhận tiền của ông Luân được coi là chứng cứ của vụ án nên cần phải đưa vào hồ sơ vụ án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.