Thị trường

Vụ Evergrande: Thêm một cảnh báo doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu BĐS

23/09/2021, 13:30

Vụ Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản đã cảnh báo cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực BĐS.

Vụ việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản, làm chao đảo thị trường tài chính thế giới những ngày qua đã dấy lên lo ngại về tác động gián tiếp tới thị trường tài chính Việt Nam. Đặc biệt khi thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh trong còng 3 năm qua, trong đó lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm vị trí nhất nhì trên thị trường.

img

Tập đoàn Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản đã cảnh báo cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Trái phiếu doanh nghiệp BĐS: lượng phát hành lớn, lãi suất cao

Công ty Đầu tư và Dịch vụ Helios (Helios) vừa hoàn thành đợt phát hành lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 3.000 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, lãi suất trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm. Cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp khác khi phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua, lô trái phiếu này được bảo đảm bằng cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại Công ty Miền Đất Hoàng Thịnh Phát và một số tài sản khác thuộc sở hữu của tổ chức phát hành hoặc bên thứ 3.

Năm 2019, công ty này cũng huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm dù không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Công ty Helios được thành lập ngày 22/3/2012, ban đầu có tên gọi là Công ty Dịch vụ Hợp Điểm, với quy mô vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm BCG và Công ty Dịch vụ bảo vệ Đại Nam với tỷ lệ sở hữu đều là 12,7%. Số cổ phần còn lại do các cá nhân góp vốn, trong đó có nhiều lãnh đạo của BCG như ông Nguyễn Hồ Nam, ông Nguyễn Thế Tài.

Năm 2016, Công ty Dịch vụ Hợp Điểm nâng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty Dịch vụ Hợp Điểm đổi tên thành Công ty Dịch Vụ Tracodi và cuối cùng là Công ty Helios. Quy mô vốn điều lệ của Helios cũng được nâng lên mức 700 tỷ đồng.

Như vậy đến thời điểm này, lượng vốn huy động qua trái phiếu đã lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ của công ty này.

Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, chỉ tính trong tháng 8, không chỉ Helios mà nhiều công ty cũng đã hoàn tất việc huy động vốn qua trái phiếu: Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS Phước Long huy động được 1.050 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Big Gain 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Mặt trời KN Vạn Ninh 595,2 tỷ đồng...

Trong tháng 8 có tổng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì có tới 51 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 24.077 tỷ đồng và chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng.

Còn tính chung 8 tháng đầu năm có tổng cộng 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 308.517 tỷ đồng, trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ và 14 đợt phát hành ra công chúng, 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.

Đến nửa đầu tháng 9 tiếp tục ghi nhận 6.384 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong nước.

Các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng và bất động sản. Chỉ nói riêng 107,98 nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản thì có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Lãi suất phát hành của các trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản cao nhất, dao động trong khoảng 8-13%/năm, gấp đôi lãi suất trái do nhóm ngân hàng phát hành là 4-7%/năm. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng chỉ 4-6%/năm hiện nay.

Nhà đầu tư không chuyên mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị phạt

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, không thể nói về mối liên hệ giữa vụ việc Evergrande tới thị trường bởi rất nhiều yếu tố trong vụ việc này. Bản thân yếu tố rủi ro dẫn tới hệ quả của Evergrande hiện nay cũng không chỉ do một nguyên nhân là do phát hành quá nhiều trái phiếu.

Tuy nhiên, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, ông Dương vẫn nhắc lại loạt khuyến cáo của Bộ Tài chính về rủi ro khi nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Dương nhấn mạnh rủi ro khi trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm là các cổ phiếu.

“Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu ra công chúng. Nhà đầu tư tổ chức có điều kiện đánh giá rủi ro thì mới mua còn nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp thì Nghị định không cho mua. Nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Điều này để hạn chế rủi ro cho chính bản thân nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp”, ông Dương nói.

Cấp tốc kiểm tra, giám sát ngay khi Covid-19 được kiểm soát

Đối với những cảnh báo từ vụ việc Evergrande, liệu cơ quan quản lý có lộ trình đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với việc phát hành và tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay không, ông Dương cho biết: Nghị định 153 mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ Tài chính vẫn đang đánh giá việc áp dụng Nghị định này hàng quý, 6 tháng; Đồng thời đưa ra cảnh báo.

“Khi Nghị định được áp dụng, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã giảm. Như vậy Nghị định 153 đã phát huy tác dụng”, ông Dương nói và cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá và đưa ra cảnh báo.

Với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, ông Nguyễn Hoàng Dương khuyến nghị doanh nghiệp phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả để trả lãi và gốc cho nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư phải đánh giá rủi ro trước khi đầu tư, không vì ham lãi suất cao mà mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không trả được thì nhà đầu tư phải hứng chịu rủi ro”, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cảnh báo.

Ông Dương cũng cho biết, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có kế hoạch và ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cơ quan này sẽ thành lập đoàn và đi kiểm tra, giám sát việc phát hành và mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.